Trong lịch sử hơn 200 năm, Điện Capitol là nơi làm việc chính của các nghị sĩ Hạ viện và Thượng viện Mỹ, nơi thông qua các đạo luật của đất nước, nơi các vị tổng thống nhậm chức và đưa ra Thông điệp liên bang thường niên. Mặc dù là nơi diễn ra các hoạt động lập pháp, tòa nhà lại chứng kiến nhiều hành động bạo lực như phóng hỏa, ẩu đả, đánh bom hay xả súng.
Vụ hỏa hoạn hủy hoại Điện Capitol trong cuộc Chiến tranh 1812
Hoạt động thi công Điện Capitol chính thức bắt đầu ngày 18/9/1793, Tổng thống lập quốc George Washington là người đặt viên gạch đầu tiên. Những người nô lệ da đen được huy động xây dựng công trình.
Quốc hội Mỹ bắt đầu sử dụng tòa nhà vào năm 1800, cùng năm chính phủ liên bang chuyển hoạt động từ Philadelphia tới Washington, DC. Giống như những tòa nhà liên bang đầu tiên ở DC, thiết kế của Điện Capitol dựa trên phong cách tân cổ điển của thế kỷ 19, lấy cảm hứng từ kiến trúc La Mã và Hy Lạp cổ đại.
Hoạt động xây dựng Điện Capitol kéo dài đến tận cuộc Chiến tranh năm 1812, khi lệnh tổng động viên thời chiến buộc công trường ngừng hoạt động. Một năm sau cuộc đụng độ giữa Mỹ và đế quốc Anh, các binh sĩ Mỹ đã phóng hỏa nhằm vào thủ đô York của Canada, khi đó thuộc Anh. Để trả đũa, binh sĩ Anh năm 1814 đã đốt cháy các tòa nhà liên bang ở Washington D.C, trong đó có Nhà Trắng và Điện Capitol.
Đám cháy không phá hủy hoàn toàn toà nhà, nhưng gây ra những hủy hoại đủ để khiến một số thành viên Quốc hội Mỹ đề xuất tái chuyển các địa điểm chính quyền liên bang trở lại Philadelphia hoặc tìm một thành phố khác. Tuy nhiên, Điện Capitol cuối cùng đã được tái thiết và tiếp tục mở rộng khi số lượng tiểu bang – kèm theo là người đại diện tại Quốc hội - tăng lên.
Ngày nay, toàn bộ công trình được xây dựng trên diện tích 457.000 m2 với trên 600 phòng.
Bạo lực tại Quốc hội
Thời kỳ trước Nội chiến của nước Mỹ nổi bật là nạn bạo lực chống lại nô lệ da đen, người da đen tự do và người theo chủ nghĩa bãi nô. Đó là một thời kỳ mà những tờ báo phản đối chế độ nộ lệ hứng chịu nạn bạo lực, cướp phá, thậm chí các nghị sĩ quốc hội cũng tấn công lẫn nhau vì tranh cãi.
Một trong những vụ việc nổi tiếng nhất của tình trạng bạo lực quốc hội là vụ Thượng nghị sĩ Charles Sumner bị tấn công bằng gậy. Năm 1856, Hạ nghị sĩ Preston Brooks đã dùng gậy đánh Thượng nghị sĩ Charles Sumner gần như bất tỉnh ngay giữa phòng họp Thượng viện.
Brooks cho biết ông chọn cách tấn công Sumner như vậy vì không muốn vi phạm đạo luật năm 1839 cấm các cuộc đấu tay đôi tại Quốc hội, được thông qua một năm sau khi một nghị sĩ giết người trong cuộc đấu tay đôi ở Maryland.
Vụ tấn công Nghị sĩ Sumner không phải là cá biệt. Sử gia Joanne Freeman đã xác định trên 70 vụ bạo lực xảy ra giữa các nghị sĩ Mỹ. Năm 1858, một cuộc ẩu đả giữa khoảng 30 nghị sĩ nổ ra tại Hạ viện vào lúc 2h sáng. Năm 1860, một nghị sĩ ủng hộ chế độ nô lệ đe dọa đồng nghiệp theo chủ nghĩa bãi nô bằng một khẩu súng lục và gậy khi ông này đang phát biểu chống chế độ nô lệ tại Hạ viện.
Khi Abraham Lincoln đắc cử tổng thống năm 1860, các tiểu bang miền Nam đã phản ứng bằng cách ly khai và gây chiến với Liên minh miền Bắc. Các nghị sĩ miền Nam bắt đầu chiến đấu chống lại Liên minh mà họ đại diện, tuy nhiên trong suốt cuộc Nội chiến, phe miền Nam chưa bao giờ chiếm được Washington D.C.
Xả súng và đánh bom tại Điện Capitol
Ngày 2/7/1915, cựu Giáo sư người Đức tại trường Harvard, Erich Muenter, đã cài một gói gồm 3 que thuốc nổ ở Điện Capitol, gần phòng Lễ tân Thượng viện. Vụ nổ xảy ra lúc gần nửa đêm, trong lúc Thượng viện đang giải lao.
Một sĩ quan cảnh sát Điện Capitol đang trong ca trực đã suýt văng khỏi ghế bởi vụ nổ, nhưng may mắn là không ai bị thương.
Giáo sư gốc Đức sau đó viết thư gửi tới một tòa soạn báo ở DC cho biết chính ông đã cài thuốc nổ để phản đối Mỹ viện trợ vũ khí cho Anh trong Thế chiến thứ nhất. Sau đó, ông ta đến cửa nhà J.P. Morgan ở Long Island, New York, xả súng bắn nhà tài phiệt. Ông Morgan may mắn chỉ bị những vết thương nhẹ và thoát chết, còn Muenter bị bắt giữ và tự tử vài ngày sau đó.
Vào ngày 1/3/1954, bốn người Mỹ gốc Puerto Rico đã xả súng vào Hạ viện, làm bị thương 5 nghị sĩ. Những kẻ tấn công tuyên bố đòi quyền độc lập cho Puerto Rico. Các nghị sĩ đều thoát chết và bốn kẻ xả súng nhận án tù.
Ngày 1/3/1971, một quả bom đã phát nổ trong Tòa nhà Quốc hội. Tuy không làm ai bị thương, vụ nổ gây thiệt hại khoảng 300.000 USD. Một nhóm tự xưng là “Weather Underground” nhận trách nhiệm vụ việc và tuyên bố họ phản đối những vụ đánh bom do Mỹ hậu thuẫn ở Lào.
13 năm sau, ngày 7/11/1983, một quả bom đã xé nát tầng hai của cánh Thượng viện tại Điện Capitol. Vụ việc xảy ra vào tối muộn, không ai bị thương nhưng gây thiệt hại ước tính 250.000 USD. Một nhóm tự xưng là “Đơn vị Kháng chiến vũ trang” sau đó lên tiếng nhận trách nhiệm, nhằm trả đũa cho các hành động quân sự của Mỹ ở Liban và Grenada. 7 người cuối cùng đã bị bắt vì liên quan đến vụ tấn công.
Ngoài các nguyên nhân chính trị, trong khuôn viên Điện Capitol còn xảy ra nhiều hành vi bạo lực khác trong nhiều thập kỷ. Những sự cố này bao gồm vụ nổ súng chết người năm 1890 giữa một phóng viên và một cựu nghị sĩ; vụ bắn chết hai sĩ quan cảnh sát Điện Capitol năm 1988 khi một tay súng có tiền sử bệnh tâm thần chạy qua cửa kiểm soát an ninh.
Gần đây nhất, ngày 6/1/2021, khi lưỡng viện Quốc hội đang nhóm họp để kiểm đếm phiếu đại cử tri, nhằm xác nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden, đám đông ủng hộ Tổng thống Trump đã vượt qua hàng rào cảnh sát, xông vào náo loạn Điện Capitol. Vụ bạo loạn khiến 5 người tử vong, trong đó có một cảnh sát Điện Capitol.