Những “quả bom sốt rét” của Đức Quốc xã

Vũ khí sinh học xuất hiện từ thời cổ đại, với việc dùng sinh vật mang mầm bệnh và các loại chất độc tự nhiên để chống lại kẻ thù. Đến Chiến tranh Thế giới thứ hai, cả quân đồng minh và Nhật Bản đều có những chương trình nghiên cứu, sản xuất các loại vi khuẩn để sử dụng như vũ khí sinh học.

Trưởng Đội cận vệ Đức Quốc xã Heinrich Himmler có vẻ là người đã ra lệnh nghiên cứu chương trình vũ khí sinh học liên quan đến muỗi mang mầm bệnh sốt rét.


Theo kết quả nghiên cứu của chuyên gia sinh học Klaus Reihardt thuộc trường đại học Tubingen (Đức) đăng tải trên tạp chí khoa học Endeavour số ra tháng 12/2013, trong đó cung cấp các dữ liệu được phát hiện gần đây tại trại tập trung Dachau, thì có vẻ đúng như những nghi ngờ lâu nay cho rằng: Không chỉ quân đồng minh và Nhật Bản mà cả Đức Quốc xã cũng đã có một chương trình nghiên cứu vũ khí sinh học để tấn công kẻ thù.


Mặc dù sự thật là trong chiến tranh, Aldolf Hitler đã ban hành sắc lệnh cấm các loại vũ khí sinh học nhưng nhiều thập kỉ qua, các nhà khoa học vẫn tranh luận về việc liệu có hay không một chương trình nghiên cứu vũ khí sinh học được Đức Quốc xã bí mật tiến hành. Bởi trên thực tế có một nghịch lý nguy hiểm là, hoạt động nghiên cứu phòng tránh và chế tạo vũ khí sinh học thoạt trông rất giống nhau và đôi khi chính việc nghiên cứu phòng tránh lại dẫn đến việc tạo ra vũ khí sinh học.


Ông Reinhardt nhận định Đức Quốc xã thật sự đã tiến hành nghiên cứu vũ khí sinh học dưới lớp vỏ bọc Viện côn trùng tại trại tập trung Dachau do chuyên gia côn trùng học Eduard May đứng đầu. Reinhardt cho rằng “May biết là ông ta đang nghiên cứu vũ khí tấn công”.


Trên tờ Endeavour, Reinhadt viện dẫn những báo cáo do May ghi chép được chính phủ Đức lưu trữ, trong đó May gọi một giống muỗi mang mầm bệnh sốt rét là phù hợp nhất cho việc thả “bản án hành quyết” từ không trung. Nghiên cứu đã được tiến hành tại Viện côn trùng Dachau để kiểm tra liệu những con muỗi này có thể sống sót trong bao lâu trên máy bay. Kết quả cho thấy muỗi Anophen mang mầm bệnh sốt rét có khả năng sống lâu hơn nhiều so với các loại muỗi khác trong tình trạng đói. Tuy nhiên, trong điều kiện mùa đông giá rét và thiếu những đầm lầy ẩm thấp tại Đức, những con muỗi mang mầm bệnh sốt rét lại không có khả năng sống sót.

Các chuyên gia lâu nay vẫn tranh luận về “đội quân muỗi sốt rét” của Đức Quốc xã.


Trong khi đó, nhà sử học Frank Snowden của trường đại học Yale (Mỹ) lại khẳng định Đức Quốc xã thật sự đã đưa muỗi mang mầm bệnh sốt rét vào khu vực phía nam thành phố Rome (Italy) năm 1943, dựa vào các ghi chép của quân đồng minh và Italy.


Bản thân ông Reinhardt cũng thừa nhận rất khó để có thể chứng minh Đức Quốc xã đã lên kế hoạch cho một cuộc chiến tranh sinh học, đặc biệt là trong bối cảnh tình trạng hỗn loạn ở Đức vào cuối cuộc chiến. Theo Reinhart, với sự tháo chạy của quân đội Đức Quốc xã, sự kiểm soát của quân đồng minh và việc nước Mỹ tham gia vào cuộc thí nghiệm tương tự (trong đó có hợp tác một số nhà nghiên cứu thời Đức Quốc xã) sau chiến tranh, thì bất kì bằng chứng nào còn tồn tại đến giờ cũng khó có thể được sử dụng để đưa ra kết luận.


Ngoài ra, trong bản nghiên cứu của mình, Reinhardt đã đặt ra câu hỏi “Tại sao đội cận vệ Đức Quốc xã lại cần một viện nghiên cứu côn trùng?”. Câu trả lời mà ông đưa ra là... những con chấy. Lật lại lịch sử, trên Mặt trận phía đông, loài kí sinh trùng mang theo bệnh sốt phát ban này đã gây thiệt hại cho cả lực lượng cận vệ Đức Quốc xã và các tù nhân. Reinhardt cho biết năm 1942, May đã đề nghị nghiên cứu về loài chấy, muỗi mang mầm bệnh sốt rét và ruồi nhà. Phần lớn các nghiên cứu tại Dachau là nhằm tiêu diệt những loài côn trùng gây hại, nhưng theo Reinhardt, một vài nghiên cứu trong số đó “rõ ràng có liên quan đến chiến tranh”.


Tuy nhiên, Giáo sư Gregory Koblentz thuộc chương trình phòng vệ sinh học của trường đại học George Mason (Mỹ) lại là một trong số những người cho rằng chương trình nghiên cứu ở trại tập trung Dachau không mang bản chất tấn công. “Những cuộc nghiên cứu tại đây chỉ nhằm đánh giá mối đe dọa từ các tác nhân và các loại côn trùng. Đặc biệt khó để phân loại nghiên cứu của May về muỗi và bệnh sốt rét là nhằm mục đích tấn công hay phòng vệ. Ngay cả khi nếu chủ đích của May là tấn công, thì đây cũng là bước nghiên cứu sơ bộ, cách xa việc thật sự tạo ra được một loại côn trùng là vũ khí sinh học”, Giáo sư Koblentz nói.


Cùng chung quan điểm với Giáo sư Koblentz, cho đến nay, một số nhà sử học cũng kết luận rằng viện nghiên cứu ở Dachau về bản chất là nhằm phục vụ mục đích tự vệ. “Bất kì chương trình tấn công bằng vũ khí sinh học nào cũng bị cấm theo lệnh của Hilter về chống phát triển chiến tranh sinh học”, báo cáo năm 1999 của sử gia Erhard Geissler viết.


Đối với những kết quả mà Reinhardt đưa ra, nhiều chuyên gia cho rằng thay vì mang lại lời giải, chúng lại làm nối dài thêm các cuộc tranh luận về kế hoạch chiến tranh sinh học của Đức Quốc xã. Và những nghiên cứu mà Đức Quốc xã tiến hành tại trại tập trung Dachau nhằm mục đích phòng vệ hay tấn công vẫn tiếp tục là một câu hỏi hóc búa mà lịch sử để lại.


Anh Minh (Theo National Geographic)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN