Ngày 1/10/1946, tại Cung Tư pháp ở thành phố Nuernberg, phiên tòa xét xử những tên tội phạm chiến tranh chính của Đức Quốc xã đã khép lại, theo đó 12 bị cáo đã bị kết án tử hình bằng treo cổ, một người trong đó là Martin Bormann bị kết án vắng mặt.
Thượng úy Mỹ John C. Woods, đao phủ, người thi hành án. |
Trong những ngày sau đó, người ta khẩn trương xây dựng 3 giá treo cổ để thi hành án tại khu vực trại giam. Một số tử tù đã làm đơn xin ân xá, nhưng trong 2 tuần sau đó, toàn bộ đơn xin ân xá đã bị quan tòa của các nước đồng minh bác bỏ.
Mặc dù trong toàn bộ quá trình xét xử và chờ thi hành án luôn có người canh gác trước cửa mỗi xà lim, nhưng Hermann Goering, nguyên thống chế, tư lệnh không quân của Hitler vẫn đưa lậu được một ống thạch tín vào trong xà lim. Chiều ngày 15/10/1946, Goering đã uống thuốc độc tự tử và chết trước thời hạn hành hình vài giờ đồng hồ, coi như là chiến thắng cuối cùng trước quân đồng minh, những người đã đưa y ra tòa và kết án vì những tội ác dã man của chính quyền Quốc xã. Trước đó, viên tư lệnh không quân này đã đưa đơn xin được xử bắn để giữ danh dự quân đội, nhưng đã bị từ chối.
Trước 1 giờ sáng ngày 16/10, cửa xà lim của Joachim von Ribbentrop, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao được mở ra. Đại tá Andrus đọc bản án. Sau đó, Ribbentrop bị trói tay ra phía sau bằng dây thừng đen và hai quân cảnh dẫn y đi 13 bậc lên giá treo cổ. Cảnh sát đưa y vào vị trí cửa lật và trói chân y lại.
Các bị cáo Goering, Hess, von Ribbentrop, Keitel (hàng ghế trước), Doenitz, Raeder, von Schirach và Sauckel (hàng ghế sau). |
Khi được cho phép nói lời cuối cùng, Ribbentrop nói: "Cầu Chúa phù hộ cho nước Đức, cầu Chúa tha tội cho tôi! Nguyện vọng cuối cùng của tôi là nước Đức sẽ có lại sự thống nhất, Đông và Tây sẽ hiểu biết lẫn nhau và hòa bình ngự trên thế giới"! Đó là lời trăng trối của một kẻ góp phần khai mào cho cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai !??
Sau đó, thượng sĩ John C. Woods, người Texas, chụp một chiếc mũ đen trùm lên đầu, đặt dây thòng lọng vào cổ. Đao phủ mở chốt chiếc cửa lật. Mặc dù Woods đã thực hiện trên 300 vụ hành hình, nhưng trong việc thi hành án đối với Ribbentrop và những tên trùm Quốc xã khác đã xảy ra nhiều sự cố. Chiếc cửa lật quá nhỏ, nên nhiều tử tù bị đập đầu vào mép cửa lật, gây ra những vết thương nặng, tụ máu, thấy rõ trên những bức ảnh những kẻ bị hành hình được lưu truyền sau đó, gây phản cảm.
Ngoài ra, độ cao để người bị hành hình rơi xuống được tính ít quá, nên khi rơi xuống, cổ của người bị kết án không bị gãy làm chết ngay, mà bị chết từ từ vì ngạt thở bởi dây thừng thít cổ. Trong trường hợp Ribbentrop phải tới 15 phút sau y mới chết. Sau đó là Wilhelm Keitel, Tổng tư lệnh quân đội Đức được dẫn tới giá treo cổ thứ hai. Y kêu lên: "Tất cả vì nước Đức", trước khi cửa lật bật ra và y rơi xuống.
Người thứ ba là Ernst Kaltenbrunner, trùm cảnh sát của nhà nước SS. Y cũng khá bình tĩnh. Trái lại, Julius Streicher, Chủ bút báo "Der Stuermer" (Người tấn công), tờ báo chuyên kích động bài trừ Do Thái, thì dường như mất trí, y luôn mồm kêu "Heil Hitler" cho tới khi dây treo cổ thít lại và Fritz Sauckel, Tổng đại diện của Hitler, kẻ chịu trách nhiệm về việc cưỡng bức 5 triệu người lao động cho nước Đức thì tới khi đó vẫn kêu mình vô tội, trong khi đó Alfred Rosenberg, kẻ thực hiện chính sách German hóa các vùng miền đông bị chiếm đóng, diệt trừ Do Thái thì im lặng cho tới khi chết. Y cũng là người duy nhất không muốn có linh mục làm lễ rửa tội.
Cung Tư pháp Nuernberg, nơi xét xử những tên tội phạm chiến tranh chính của Đức Quốc xã. |
Việc thi hành án diễn ra dưới sự chỉ đạo của một ủy ban bốn bên gồm bốn vị tướng của Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô. Các vị tướng từ chối không cho các công tố viên tham gia ủy ban này, vì khi tuyên án, họ không được xếp chỗ ngồi danh dự. Nhưng 8 đại diện của báo chí, mỗi khu vực chiếm đóng có 2 đại diện, được phép tham dự các cuộc hành hình, bất chấp sự phản đối của Anh. Thủ hiến bang Bavaria Wilhelm Hoegner (đảng SPD) và Công tố viên cao cấp của thành phố Nuernberg, Jakob Meistner, được tượng trưng đại diện cho nhân dân Đức tham dự quá trình thi hành án.
Sáng ngày 17/10, xe tải của quân đội Mỹ chở quan tài tới lò thiêu của nghĩa trang miền đông ở Munich. Họ nói rằng đây là xác những người lính Mỹ đã hy sinh, nhưng thực ra là thi hài những tên tội phạm chiến tranh bị hành hình ở Nuernberg. Sau khi bị hỏa thiêu, tro của chúng bị rắc xuống nhánh của con sông Isar tại một vị trí bí mật, tránh cho những kẻ có tư tưởng Quốc xã biến thành nơi hành hương.
Khi đó, ảnh của những kẻ bị hành hình đã gây ra những cuộc tranh luận dữ dội, vì những sự cố trong quá trình thi hành án làm cho tử thi bị dính máu, trông rất phản cảm.
Công tố viên trưởng Robert Jackson thậm chí là một người về nguyên tắc phản đối án tử hình. Ông đứng đầu một phái đoàn gồm 200 người tới Nuernberg. Phiên tòa đã xét xử công khai, theo nguyên lý của nhà nước pháp quyền với những bản án khác nhau. Thậm chí có 3 bị cáo được tuyên bố trắng án.
Tuy nhiên, ba tên tội phạm chiến tranh lớn nhất là Hitler, Himmler và Goebbels đã tự kết liễu đời mình trước khi chiến tranh kết thúc, tránh bị đưa ra xét xử với kết quả chắc chắn sẽ bị tử hình. Đây có lẽ cũng là một điều tốt, vì thế giới có lẽ không thể chịu nổi một tên Adolf Hitler hàng tháng trời đưa ra những lời kích động, lăng mạ các dân tộc khác trước một tòa án.
Cho đến nay, dư luận Đức và thế giới vẫn cho rằng, dù người ta có thể phản đối án tử hình, nhưng người ta cũng không cần phải thương hại những tên tội phạm chiến tranh bị hành hình ở Nuernberg. Chúng phải chịu trách nhiệm trước cái chết của hàng triệu người và đứng đầu một chính quyền mà trong nhiều năm trời, hành hình đã trở thành chuyện thường nhật. Và hầu hết các vụ hành hình này không có một phiên tòa xét xử một cách công bằng như chúng được hưởng.
Vũ Long (Tổng hợp theo báo chí Đức)