Những thủ đoạn 'bẩn' trên chính trường Mỹ

Chuyên gia thủ đoạn Lee Atwater


Lee Atwater là chuyên gia thực hiện thủ đoạn chính trị. Ông khởi đầu “sự nghiệp” ở bang quê nhà của mình là South Carolina, làm việc trong chiến dịch ứng cử Thượng viện năm 1978 cho nhân vật nổi tiếng là phân biệt chủng tộc, Strom Thurmond. Lối hành xử tàn nhẫn nhất của Atwater, sau này bị cả những người của đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ chỉ trích, xuất hiện vào lúc ông quản lý chiến dịch tranh cử năm 1988 của George H. W. Bush. Đối thủ thuộc đảng Dân chủ của Bush là Thống đốc bang Massachusetts, Micheal Dukakis. Vào giữa năm 1988, Dukakis đã dẫn trước một vài điểm. Chính lúc đó, Atwater đã quyết định phải hành động, dẫn đến đoạn quảng cáo Willie Horton đầy tai tiếng.


James Tobin trước phiên xử vụ phá hoại đường điện thoại.


Với trọng trách là Thống đốc Massachusetts, Dukakis chịu trách nhiệm giám sát chương trình cho những tù nhân bị kết án phạm tội nghiêm trọng được “nghỉ phép cuối tuần” trong thời gian thụ án. Một trong những phạm nhân đó là Willie Horton, người Mỹ gốc Phi. Trong thời gian nghỉ phép, Horton đã phạm tội hãm hiếp một phụ nữ da trắng và đâm bạn trai của cô.


Atwater đã phát triển một đoạn quảng cáo về chương trình nghỉ phép dành cho tù nhân với khuôn mặt của Horton xuất hiện ngay sau hình ảnh của Dukakis. Atwater đã liên hệ với một số nhà quyên góp giàu có của đảng Cộng hòa để tạo ra một nhóm bình phong có tên gọi Ủy ban Hành động Chính trị An ninh Quốc gia và cho phát đoạn quảng cáo này. Mục tiêu của Atwater, theo chính lời ông, là để “Willie Horton liên danh tranh cử với Dukakis”.


Khi đoạn quảng cáo được phát, nó đã khiến nhiều cử tri liên hệ tội ác của Horton với chương trình cho tù nhân “nghỉ phép cuối tuần” được Dukakis khuyến khích. Điều đó đã khiến Dukakis không thể thay đổi cái mác “dễ dãi với tội ác” và chiến dịch tranh cử của ông thất bại. Khi tới cuộc bầu cử, Dukakis thua Bush toàn diện.


Atwater được trao thưởng cho những nỗ lực của mình khi trở thành Chủ tịch Ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, chỉ sau một năm giữ chức, ông đã mắc chứng bệnh ung thư não không thể cứu chữa. Trước khi qua đời ở tuổi 40, Atwater đã bày tỏ sự hối tiếc vì những thủ đoạn tàn nhẫn của mình và thậm chí đã gửi thư xin lỗi đến Dukakis, dù một số cộng sự cũ của Atwater vẫn nghi ngờ tính chân thành trong sự ăn năn của ông.


Vụ gây nhiễu sóng điện thoại ở New Hampshire


Trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2002, đảng Dân chủ có nhiều hơn 1 ghế đa số ở Quốc hội. Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chiến đấu cam go để bảo vệ các ghế hiện tại và giành được những ghế mới, và có lẽ không ở đâu lại có sự cạnh tranh mạnh mẽ như ở cuộc đua tại New Hampshire giữa Thống đốc Dân chủ Jeanne Sheehan và Nghị sĩ Cộng hòa John Sununu.


Lee Atwater (phải) và Tổng thống Bush (trái) trong lễ hội nhậm chức năm 1989.


Khi cuộc bầu cử tới gần, Sheehan và Sununu chỉ cách nhau có vài điểm phần trăm, nghĩa là các hoạt động vận động vào ngày bầu cử sẽ tạo ra sự khác biệt. Chiến dịch quan trọng nhất của những người Dân chủ dựa trên một chuỗi các ngân hàng điện thoại được đảng này và các liên đoàn có liên kết điều hành. Nhiệm vụ của các ngân hàng điện thoại này là gọi điện cho những cử tri ủng hộ Sheehan để đảm bảo họ sẽ đi bỏ phiếu. Nhưng vào ngày bầu cử quyết định, chiến dịch gọi điện nói trên đã gặp trục trặc khi đường điện thoại bị sập một cách đáng ngờ. Vào thời điểm các đường dây được phục hồi, chiến dịch tranh cử của Sheehan đã thất bại nặng nề.


Cảnh sát đã điều tra và phát hiện ra thủ đoạn khiến một số quan chức đảng Cộng hòa tại địa phương phải vào tù. Các nhà điều tra tìm ra rằng Chuck McGee, Giám đốc điều hành của đảng Cộng hòa ở New Hampshire, đã kết hợp với nhà chiến lược của đảng là Allen Raymond để thuê một công ty tiếp thị điện thoại làm nhiễu đường dây điện thoại của đảng Dân chủ. McGee và Raymond đều phải chịu trách nhiệm về âm mưu quấy nhiễu hệ thống điện thoại và phải ngồi tù vài tháng. Giám đốc khu vực của đảng Cộng hòa, James Tobin, cũng bị kết tội thực hiện âm mưu này, nhưng sau khi đảng này chi hơn 6 triệu USD để trả các chi phí pháp lý cho Tobin, bản án của ông đã bị đảo ngược tại tòa phúc thẩm.


Về phần cuộc bầu cử, âm mưu phá sóng điện thoại đã giúp Sununu thu được chiến thắng với 19.000 phiếu trước đối thủ của mình. Nhưng Sheehan sau này đã trở lại vào năm 2008, khi bà đánh bại Sununu trong một cuộc tái đấu giành ghế Thượng viện.


(còn tiếp)


Trần Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN