Có thể nói, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, chiến tranh ngày nay đã khác xa chiến tranh thông thường trước kia. Chiến tranh hiện đại là cuộc chiến cơ giới hóa, điện tử, mạng… - những hình thức chiến tranh mà hành động của con người có vai trò ít quan trọng nhất. Điều đó hoàn toàn trái ngược trong cách thức tiến hành và diễn biến của Chiến tranh thế giới thứ I năm 1914. Những người châu Âu đã mộng mị bước vào cuộc chiến với những đoàn kỵ binh và bộ binh được trang bị những lưỡi lê gắn trên nòng súng. Họ đã phải thức tỉnh khi đương đầu với súng máy, tàu ngầm, xe tăng và máy bay của Đức. Chúng là những thứ vũ khí khủng khiếp, có tính sát thương cao nhất trong Chiến tranh thế giới thứ I. Dưới đây là một số loại vũ khí đó:
Súng máy MG 08Súng máy từng có vai trò rất quan trọng trong việc chống lại các lực lượng nổi dậy ở châu Âu, và những binh lính ở lục địa này tỏ ra vô cùng phấn kích khi có được loại vũ khí mạnh mẽ đó. Nhưng niềm vui, sự phấn khích đó nhanh chóng tan biến khi những khẩu súng máy này được sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ I.
Hình ảnh đáng nhớ nhất trong cuộc chiến này có lẽ là sự xuất hiện của súng máy, đặc biệt là súng của Đức. Đức đã trang bị rất nhiều súng máy cho binh lính của mình, số lượng luôn vượt trội so với đối phương. Trong Chiến tranh thế giới I thì súng máy của Đức thường chiếm ưu thế hơn so với đối thủ.
MG 08 là súng máy tiêu chuẩn của Đức. Một phiên bản của súng liên thanh Hiram được thiết kế từ năm 1894, nó là một vũ khí cồng kềnh theo tiêu chuẩn hiện đại. Phiên bản đầu tiên nặng khoảng 27kg cộng thêm 45kg giá đỡ và phụ tùng đi kèm. Kể cả khi sau này được đặt trên một cái giá tiện dụng hơn thì nó cũng không phải là một loại vũ khí cơ động.
Tuy nhiên, nó có khả năng bắn 500 phát/phút, có thể ngăn chặn những cuộc tấn công ồ ạt của quân đồng minh. Loại này vẫn được sử dụng trong quân đội Trung Quốc và Triều Tiên đến năm 1964.
Xe tăng Mark VBất kỳ một loại vũ khí nào đều có đối thủ chống lại nó. Đối thủ của súng máy là xe tăng. Súng máy có thể trụ vững trong một khoảng thời gian trước những cuộc pháo kích của đối phương, nhưng việc thay đổi cục diện trên chiến trường là rất khó khăn. Nhưng một chiếc xe bánh xích được bọc thép tốt là đủ để chống lại hỏa lực của súng máy và có thể xuyên qua hàng rào dây thép gai, mở cửa mở, tạo điều kiện cho những đợt tấn công của bộ binh xuyên qua vùng giới tuyến mà không gặp phải sự chống trả hiệu quả nào.
Loại xe tăng Mark V là loại xe tăng nặng nhất của Anh quốc trong Chiến tranh thế giới thứ I, 29 tấn. Mark V dài và rộng thích hợp cho việc vượt qua các hầm, hào. Nó được bọc một lớp giáp có độ dày 1,27 cm có tác dụng chống đạn súng trường và được trang bị một khẩu pháo 57mm có khả năng tiêu diệt ụ súng máy và công sự bê tông ngầm.
Những xe tăng đầu tiên loại này rất nóng, độ ồn cao và không đáng tin cậy. Ngồi trong xe tăng loại này rất nóng và rất dễ bị hỏa lực pháo binh của Đức tiêu diệt. Tuy nhiên, nó có đủ sức mạnh để chấm dứt sự bế tắc trên những chiến hào đẫm máu trong Chiến tranh thế giới thứ I.
Tàu ngầm Type 93Tàu ngầm là một loại vũ khí đáng sợ nữa trong Chiến tranh thế giới thứ I, nó đánh dấu sự ra đời của một hình thức tác chiến dưới nước và chiến tranh cơ giới hóa. Một phiên bản tàu ngầm đầy uy lực của Đức là Type 93.
Loại tàu ngầm này có tốc độ không cao, ở dưới nước là 9 hải lý/giờ và trên mặt nước là 17 hải lý/giờ. Khả năng hoạt động của nó khá hạn chế (tàu ngầm đầu tiên sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ I có khả năng hoạt động dưới nước trong vòng 1 giờ), nhưng được trang bị súng trên boong loại 88mm hoặc 105mm và 6 ống phóng ngư lôi, 16 loạt. Đã có 24 chiếc Type 93 được đóng ở Đức và loại tàu ngầm này từng đánh chìm tàu chở hàng nặng 411.000 tấn của quân Đồng minh.
Đại bác Big Bertha và Paris Gun
Big Bertha là một khẩu đại bác khổng lồ của Đức với cỡ nòng khoảng 40cm, lớn hơn so với hầu hết các khẩu pháo trên các chiến hạm vào thời điểm đó. Với khả năng bắn một quả đạn pháo gần 1 tấn ở cự ly khoảng 12km, Big Bertha đã phá hủy các công sự của Bỉ vào năm 1914, cho phép quân đội Đức tiến quân qua Bỉ và gần như chiếm được Paris của Pháp.
Ngược lại, đại bác Paris Gun lại dài và hẹp, bắn đạn nặng khoảng 90kg với tầm bắn khoảng 130km. Điều này cho phép quân Đức tiến hành oanh tạc tầm xa nhằm vào Paris của Pháp.
Giống như nhiều loại vũ khí khác, những khẩu pháo này rất đắt đỏ và dễ hỏng (Paris Gun chỉ có thể bắn được 20 viên đạn thì nòng đã bị mòn). Nhưng khả năng phá hủy công sự, hầm hào hoặc oanh tạc một thành phố từ một khoảng cách xa hơn 100km đã làm nên tiếng tăm của những loại vũ khí trên.
Văn Thành (Theo N.I)