Kỳ cuối: Nữ tu sĩ giàu lòng nhân ái
Trong số đó có Annie. Dì cô bé cho rằng cô bé sẽ an toàn ở nhà tu kín hơn là ở Toulouse. Sau đó, bà nhờ một người dẫn đường trong phong trào kháng chiến đưa Helene thẳng tới nhà tu kín. Helene cuối cùng cũng cảm thấy an toàn mặc dù cô bé xáo trộn cảm xúc khi mới tới đây. Helene kể lại: “Lúc đầu, xơ Bergon đưa tôi vào phòng và tìm cách làm cho tôi cảm thấy như thể bố mẹ tôi đang ở đây. Xơ như một người mẹ thực sự”.
Khi đang ở nơi an toàn, Helene lo lắng cho số phận em gái Ida. Cứ mỗi tối, Helene làm bài tập, ra ngoài chơi nhưng lúc nào cũng dằn vặt vì đã buông tay em gái, để em gái chạy về với mẹ. Nếu cô nhất quyết dẫn em theo, hai chị em đã ở nhà tu kín cùng nhau.
Cha mẹ và người giám hộ thường gửi tiền, trang sức và tài sản quý giá cho con họ trong nhà tu kín để trang trải tiền sinh hoạt và sau đó họ tìm mọi cách để trốn khỏi Pháp. Xơ Denise ghi chép mọi thông tin rất cẩn thận.
Từ đầu năm 1944, khi các cuộc vây ráp người Do Thái ngày một nhiều hơn, nhà tu kín nhận đề nghị từ mọi phía và tiếp nhận 15 bé gái. Trong số đó, có những em trốn thoát thần kỳ khỏi tay Đức Quốc xã. Các em trở thành con cái các nữ tu sĩ và họ cam kết chịu đựng mọi thứ để đưa các em trở về gia đình an toàn.
Ngoài xơ Denise, chỉ có giám đốc trường nội trú là Marguerite Rocques, cha tuyên úy và hai xơ nữa biết sự thật về gốc gác của bọn trẻ. Có 11 xơ biết rằng một số trẻ là người tị nạn từ vùng Alsace-Lorraine nhưng không biết các em là người Do Thái. Các quan chức cấp thêm sách vở cho trường nội trú theo yêu cầu của xơ Denise cũng không biết.
Do các em không quen với nghi lễ Thiên chúa giáo nên dễ bị bại lộ. Tuy nhiên, họ đã tìm được một cách giải thích. Annie kể: “Chúng tôi tới từ miền đông nước Pháp, nơi có nhiều thành phố công nghiệp và nhiều công nhân là người đảng Cộng sản. Vì thế, chúng tôi đóng giả làm con em Cộng sản, không biết gì về tôn giáo”.
Chiến tranh càng kéo dài, trẻ em ở nhà tu kín càng nguy hiểm. Xơ Denise lo nhà tu kín sẽ bị kiểm tra bất kỳ lúc nào. Mặc dù mọi giấy tờ và đồ trang sức mà gia đình các em gửi đều được giấu ở những ngóc ngách bí mật nhất, nhưng xơ vẫn không thấy an toàn. Cứ đến đêm muộn, khi mọi người say giấc, xơ cùng những người có liên quan đào hố để chôn những vật đó trong vườn nhà tu kín và chôn càng sâu càng tốt những thứ có thể tiết lộ thân phận các em.
Tháng 5/1944, sư đoàn SS tinh nhuệ của Đức đã tới khu vực này từ mặt trận phía đông. Ngay khi biết tin, một thành viên phong trào kháng chiến Pháp đã tới nhà tu kín để báo động. Do xơ phụ trách mở cửa đang ở chỗ khác nên Annie đích thân mở cửa. Người này giục Annie nhanh chóng tìm giám đốc trường nội trú vì việc rất khẩn cấp, nói rằng họ đã bị tố cáo. Tin tức lan khắp nơi, nói rằng nhà tu kín giấu trẻ em Do Thái.
Xơ Denise đã vạch kế hoạch với quân kháng chiến. Theo đó, họ sẽ bắn súng cảnh báo nếu kẻ thù tới gần. Lũ trẻ vẫn đi ngủ như thường lệ, nhưng đứa lớn sẽ nằm cạnh với đứa bé. Khi có tiếng nổ đầu tiên trong đêm, các em sẽ phải im lặng, nhanh chóng vào rừng khi binh lính Đức đang tới.
Tuy nhiên, xơ Denise quyết định giấu lũ trẻ ở nhiều nơi trước khi binh lính Đức tới. Một nhóm 7 người được đưa tới nhà nguyện, trong đó có chị em Annie. Cha tuyên úy đã mở cửa lật và đưa lũ trẻ vào trong. Không gian ngầm bên dưới chật chội, chỉ dài 2,5m, cao chưa đầy 1,5m.
Bảy đứa trẻ chen chúc trong đó khoảng 5 ngày. Chúng không thể đứng dậy hay nằm ngủ trong suốt những đêm dài, chỉ được ra ngoài trong thời gian ngắn vào sáng sớm để tập thể dục, ăn uống và đi vệ sinh. Không khí len lỏi vào qua lỗ thông hơi bé mở ra sân trong.
Sau 5 ngày, lũ trẻ không thể chịu đựng được nữa. Chúng tưởng tượng ra cảnh các xơ bị bắt và không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Những ngày sống dưới hầm này đã ám ảnh Annie cả đời. Từ đó, cô bé bắt đầu bật đèn suốt đêm. Helene thì may mắn hơn khi được sống cùng một gia đình địa phương.
Dù binh sĩ Đức không vào nhà tu kín nhưng chúng đã giết hại một số thành viên kháng chiến Maquis ngay trước nhà tu kín và vứt xác trên đường.
Tháng 6/1944, sư đoàn Đức nói trên được lệnh đi về phía bắc để đánh bật cuộc đổ bộ của quân Đồng minh tại Normandy. Trên đường, sư đoàn này thực hiện hai vụ thảm sát để trừng phạt người dân địa phương vì đã hỗ trợ hoạt động của Maquis trong khu vực. Sau đó, khi tới Normandy, chúng đã bị sư đoàn thiết giáp số 2 của Mỹ đập tan, tiêu diệt 5.000 tên và phá hủy trên 200 xe tăng cùng phương tiện chiến đấu.
Khi miền nam nước Pháp được giải phóng, tháng 8/1944, trẻ em Do Thái dần dần rời nhà tu kín. Có em đoàn tụ với gia đình, nhưng Annie và Helene không may mắn như thế. Mặc dù dì còn sống nhưng bố mẹ và em gái Ida đã bỏ mạng ở trại tập trung Auschwitz.
Hiện nay, Annie đã 94 tuổi và Helene 90 tuổi. Họ thường nhớ tới xơ Denise và gọi bà là “quý bà thời chiến”. Sau khi chia tay xơ Denise và rời nhà tu kín, họ thường tới thăm bà cho tới khi bà qua đời năm 2006. Sau này, xơ Denise còn cưu mang trẻ em khó khăn và người nhập cư Bắc Phi. Năm 1980, bà được Trung tâm Tưởng niệm Holocaust vinh danh. Ở Capdenac, có một con phố được đặt theo tên bà.
Trong sân nhà tu kín, có một tấm bia tưởng niệm, trên đó viết: “Cây tuyết tùng này được trồng ngày 5/4/1992 để ghi nhớ việc Denise Bergon đã cứu mạng 83 trẻ em Do Thái (từ tháng 12/1942 tới tháng 7/1944)… theo lời kêu gọi của Jules-Geraud Saliège, Tổng giám mục Toulouse”. Tấm bia gần nơi mà xơ Denise đã chôn đồ trang sức, tiền bạc và vật dụng quý giá mà cha mẹ 83 trẻ em Do Thái để lại. Về sau, bà đã trả lại toàn bộ để các gia đình có thể bắt đầu lại cuộc sống.