Hành trình tại “Đất nước cờ hoa”
Đứng cạnh người phiên dịch một cách ngượng nghịu trong bộ quân phục Liên Xô, tuy Pavlichenko không nói được tiếng Anh nhưng nhiệm vụ của cô khi đến Mỹ là rất rõ ràng. Với vị thế là đại diện tiêu biểu của Hồng quân, nữ xạ thủ được “chọn mặt gửi vàng” để kêu gọi sự ủng hộ của Mỹ trong cuộc chiến với quân Phát xít, mà theo dự định của Joseph Stalin (lãnh đạo Liên bang Xô Viết) là nhằm giảm bớt áp lực đối với Hồng quân.
Lyudmila Pavlichenko trò chuyện cùng Eleanor Roosevelt năm 1942. |
Tại Mỹ, Pavlichenko, công dân Xô Viết đầu tiên được chào đón tại Nhà Trắng, đã được gặp Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt. Sau đó, đệ nhất phu nhân Mỹ, bà Eleanor Roosevelt đã mời Pavlichenko tham gia một chuyến du hành xuyên Mỹ, chia sẻ với người dân Mỹ về những trải nghiệm của một phụ nữ tham gia chiến trường và Pavlichenko đã vui vẻ nhận lời.
Trong những buổi diễn thuyết trước hàng nghìn người trên khắp nước Mỹ, nữ xạ thủ đã tạo ra được ấn tượng đặc biệt khiến nước Mỹ cảm thấy thêm phần trách nhiệm với cuộc chiến chống lại Phát xít ở châu Âu. Cô kể về tuổi thanh xuân, sự phá hủy của quân Đức với quê hương cô cũng như nhiệm vụ của một nữ xạ thủ trong cuộc chiến. Trên báo chí, Pavlichenko nhắc lại những ký ức chiến trận và nhiều suy nghĩ của mình. Theo cô khi chiến tranh xảy ra, trước sự tàn bạo của kẻ địch và nguy cơ mất nước, thì niềm tin vào chính nghĩa là một trong những động lực để người dân Liên Xô tham gia bảo vệ đất nước.
Con tem Liên Xô với hình ảnh nữ xạ thủ anh hùng. |
Nữ xạ thủ 25 tuổi cho biết, trong Hồng quân hiếm có chuyện phân biệt chủng tộc hoặc giới tính, điều này dường như đang xảy ra ở Mỹ và ngay cả trong chuyến đi này của cô. Pavlichenko nói: “Tại Mỹ, tôi - một nữ xạ thủ - là chủ đề của các bài báo, như một giai thoại gây tò mò cho công chúng. Nhưng tại Liên Xô, tôi được coi là một công dân, một chiến binh, một người lính”. Pavlichenko muốn chứng minh phụ nữ không chỉ có khả năng mà còn đóng góp một phần tối quan trọng trong cuộc chiến.
Ở mọi nơi Pavlichenko đến, cô đều được những người ủng hộ, ngưỡng mộ tặng quà và phần lớn trong số đó là súng trường và súng ngắn. Ca sĩ hát nhạc dân ca tài năng người Mỹ Woody Guthrie thậm chí sáng tác một bài hát có tên “Cô Pavlichenko” về nữ anh hùng bắn tỉa trong năm 1942.
Thông qua những câu chuyện của Pavlichenko, người Mỹ dần dần đã cảm thấy sự cần thiết phải tham gia hỗ trợ Liên Xô trong cuộc chiến chống lại Phát xít.
Tuy nhiên trước khi làm được điều này Pavlichenko đã rơi vào một “mặt trận không súng ống” và chịu đựng sự “bắn tỉa” liên tiếp của báo giới Mỹ. Hầu hết báo chí Mỹ coi cô như một cô gái “quê mùa” bình thường, như bao cô gái khác ở Liên Xô. Tờ New York Times đã gọi mỉa mai Pavlichenko là “Cô gái bắn tỉa”. Nhiều tờ báo khác lại đưa ra những nhận xét như “cô gái không tô son, trang điểm hay bất cứ gì liên quan và không có gì là phong cách trong bộ trang phục màu xanh ôliu”. Một phóng viên đã chỉ trích về độ dài chiếc váy đồng phục của Pavlichenko, ám chỉ cô rất béo.
Nhưng Pavlichenko vẫn hòa nhã ân cần trả lời các câu hỏi của phóng viên. Thậm chí có cả một câu hỏi kỳ lạ: “Liệu phụ nữ Nga có trang điểm khi tham gia chiến trận không?” Thực sự câu hỏi này khiến Pavlichenko thất vọng. Cô dừng lại một lúc rồi trả lời: “Không có luật cấm về điều này nhưng ai sẽ có thời gian để nghĩ về điều đó khi trận chiến đang diễn ra?”.
Có thể người phóng viên đặt ra câu hỏi không hề biết rằng mới chỉ vài tháng trước, Pavlichenko đã thoát chết trên tiền tuyến của chiến dịch Sevastopol ác liệt. Đó là chiến dịch mà đồng đội của Pavlichenko, lực lượng của Liên Xô phải chịu thương vong đáng kể, và buộc phải chịu thua quân Đức sau 8 tháng chiến đấu.
Rồi cũng đến lúc nữ xạ thủ Liên Xô cảm thấy quá đủ với sự “săm soi” tầm thường của báo giới. Cô thẳng thắn chia sẻ trên tạp chí Time: “Tôi mặc quân phục với vinh dự, trên đó có Huân chương Lênin, nó đã có máu của cuộc chiến trên đó”.
Khi đến Chicago trong chặng đường tới Bờ Tây thì Pavlichenko không còn chú ý đến những câu hỏi “nhạt nhẽo” từ báo chí. Tại Chicago, đứng trước đám đông, cô tuyên bố: “Các quý ông, tôi 25 tuổi và đã tiêu diệt được 309 tên phát xít. Vậy các quý ông, có phải các ông đã đứng sau lưng tôi quá lâu?”. Câu nói của cô khiến đám đông sững sờ một lúc sau đó tất cả đồng loạt vỗ tay ủng hộ. Pavlichenko đã tạo một ấn tượng lớn tới người dân Mỹ. Những suy nghĩ, quan điểm của cô thực sự thu hút người dân nước này.
Trở về nước, Pavlichenko được trao tặng danh hiệu anh hùng Liên bang Xô Viết, cô thậm chí còn được xuất hiện trên tem bưu điện. Hai năm sau chuyến đi, Hồng quân đạt được lợi thế lớn chống lại quân Đức trong khi quân đồng minh chiếm phần lớn bờ biển Normandy vào tháng 6/1944. Đến năm 1945, chiến tranh thế giới thứ II kết thúc.
Sau đó, Pavlichenko hoàn thành việc học vấn tại Đại học Kiev và trở thành nhà sử học. Cuộc hành trình trên “đất nước cờ hoa” vẫn in đậm trong ký ức nữ xạ thủ, đặc biệt cô còn có người bạn đồng hành thân thiện, đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt. Năm 1957, 15 năm sau chuyến đi cùng nữ xạ thủ trẻ đi khắp nước Mỹ, cựu đệ nhất phu nhân đích thân đến Mátxcơva. Chuyến đi của Eleanor Roosevelt có nhiều hạn chế do Chiến tranh Lạnh đang diễn ra nhưng bà vẫn khăng khăng muốn được thực hiện điều mong ước là được hội ngộ cùng người bạn cũ Lyudmila Pavlichenko. Mong ước đó đã trở thành hiện thực. Eleanor Roosevelt đến gặp nữ xạ thủ anh hùng, khi đó đang sống trong một căn hộ hai phòng ở Mátxcơva, cả hai đã có những cuộc trò chuyện thân thiết, vui vẻ với nhiều xúc cảm. Họ thì thầm, nửa cười nửa khóc và tâm sự, ôn lại những câu chuyện về chuyến đi mùa hè đáng nhớ tại nước Mỹ 15 năm trước đó.
Hà Linh