Phiên tòa thế kỷ xét xử O. J. Simpson-Kỳ 4: Cuộc rượt đuổi

Luật sư Robert Shapiro.

Chiều ngày 15/6/1994, Allan W. Park - lái xe mà Simpson thuê để chở anh ta ra sân bay sau khi xảy ra vụ giết người - đã khai với cảnh sát rằng, Simpson dặn mình có mặt ở Rockingham trước 22 giờ 45.

 

Allan đã tới sớm 20 phút, cố gắng gọi cửa nhưng không có ai ra. Lúc 22 giờ 50, Allan nhìn thấy một người đàn ông mặc đồ tối màu vội vã đi từ cổng bên cạnh vào nhà.


Lát sau, Allan gọi cửa lại và một người xưng là Simpson trả lời, nói rằng anh ta ngủ quên và sẽ xuống ngay. Khi Simpson xuống, anh ta mồ hôi nhễ nhại và đòi bật điều hòa suốt quãng đường tới sân bay.


Các thám tử điều tra vụ án cũng nhận được một cuộc gọi từ bà Jill Shively, hàng xóm của Nicole. Bà kể rằng vào tối chủ nhật đó, khi đang lái xe đến chợ gần đó, bà nhìn thấy chiếc Ford Bronco vượt đèn đỏ và suýt đâm với một ô tô khác. Bà nhận ra người lái xe Ford Bronco là Simpson.


 

Chiếc Ford Bronco bị cả đoàn xe cảnh sát bám phía sau.

 

Ngày 16/6, kết quả xét nghiệm ADN sơ bộ trên chiếc găng tay ở khu nhà Rockingham cho thấy nó có dính máu của Simpson và cả hai nạn nhân. Các bằng chứng đều cho thấy Simpson là kẻ sát nhân. Thám tử Vannatter và Lange đã phát đơn kiện chính thức.


Sáng cùng ngày, gia đình và bạn bè đã chôn cất Nicole tại nghĩa trang Lake Forest, cách trung tâm Los Angeles 72 km. Mẹ Nicole kể lại rằng Simpson đã tỳ bên cạnh quan tài mở nắp của vợ cũ, hôn lên môi cô và lẩm bẩm lời xin lỗi.


Ngày 17/6, sau khi có lệnh bắt Simpson, thám tử Lange gọi điện cho Robert Shapiro, luật sư của Simpson, bảo luật sư đi cùng thân chủ tới trụ sở cảnh sát đầu thú lúc 11 giờ. Lúc đó, Simpson đang ở nhà một người tên là Robert Kardashian ở thung lũng San Fernando sau khi dự đám tang Nicole.


12 giờ 35, khi không thấy Simpson và luật sư xuất hiện, ba xe cảnh sát tuần tra đã được phái tới nhà Kardashian để bắt anh ta. Lúc đó, cảnh sát hay tin Simpson vừa lái chiếc Ford Bronco đi cùng bạn thân Al Cowling.


Cảnh sát Los Angeles tổ chức họp báo, thông báo về việc phát lệnh bắt Simpson. Luật sư Shapiro đã xuất hiện trên truyền hình và kêu gọi Simpson trình diện cảnh sát ngay lập tức.


Sau khi phát hiện ra Cowling và Simpson đang lái chiếc Ford Bronco về phía bắc trên đường cao tốc liên bang số 5 ở hạt Orange, cảnh sát đã ra lệnh cho xe tấp vào lề đường và dừng lại. Cowling vẫn tiếp tục lái xe nhưng giảm tốc độ rồi gọi 911 bằng điện thoại di động, nói với cảnh sát bình tĩnh vì Simpson đang muốn tự tử và có một khẩu súng kề sát đầu.


Lúc này, báo chí đã hay tin về cuộc rượt đuổi. Chẳng mấy chốc, phía trên chiếc Ford Bronco đã xuất hiện một số chiếc trực thăng chở phóng viên và máy quay, lẫn vào đám trực thăng của cảnh sát. Với 95 triệu người theo dõi, cuộc rượt đuổi tốc độ chậm này trở thành một trong những sự kiện được xem nhiều nhất trong lịch sử truyền hình Mỹ. Trong 50 năm qua, chỉ duy nhất có một sự kiện có thể sánh nổi cuộc rượt đuổi về số người xem đó là sự kiện tàu vũ trụ hạ cánh xuống Mặt Trăng.
Trực thăng nhiều đến mức trông giống như cảnh trong một bộ phim về chiến tranh. Có lúc, chiếc trực thăng của kênh 7 đã phải bỏ cuộc để về tiếp liệu, khiến kênh này phải bắt sóng của đối thủ là kênh 5 để tường thuật tiếp.


Còn trên mặt đất, người đứng xem nêm chật các đường và cầu gần đó. Họ hò hét, reo lên như thể đang xem diễu hành ngày độc lập.
Khi đang tiến đến xa lộ 405, Cowling xin được phép đi thẳng về nhà của Simpson ở Rockingham và được cảnh sát chấp nhận. Cảnh sát cũng ngay lập tức phái quân tới khu nhà của Simpson.


Trong khi đó, cảnh sát hạt Orange vẫn tiếp tục bám đuôi chiếc xe chở Simpson dù nó đã sang địa phận khác. Chiếc Ford Bronco tới Rockingham lúc 19 giờ 50. Cuộc rượt đuổi dài lê thê và kịch tính như phim kết thúc khi Al Cowling đỗ xe trước cửa nhà Simpson và tắt máy.


Tại đây, một đội đặc nhiệm cảnh sát Los Angeles 27 người, một đội tấn công, một đội chuyên gia và một đội thương thuyết đã có mặt. Bên trên, trực thăng vẫn bu kín bầu trời, máy quay hoạt động hết công suất để phục vụ khán giả truyền hình trên cả nước và thế giới đang dán mắt vào màn hình TV.


Gần một tiếng sau, sau khi nghe đội thương thuyết và Cowling thuyết phục, Simpson cuối cùng cũng ra khỏi chiếc Ford Bronco và đầu hàng. Cuộc rượt đuổi chính thức kết thúc nhưng cuộc săn tìm công lý vừa mới bắt đầu.


Thùy Dương

 

Đón đọc kỳ tới: Luật sư đối đầu thám tử

Phiên tòa thế kỷ xét xử O. J. Simpson-Kỳ 3: Cuộc hôn nhân bạo lực
Phiên tòa thế kỷ xét xử O. J. Simpson-Kỳ 3: Cuộc hôn nhân bạo lực

Khi bị sát hại, Nicole Brown Simpson 35 tuổi. Cô sinh ngày 19/5/1959 tại Đức, lớn lên thành một thiếu nữ đẹp, cao ráo với mái tóc vàng yểu điệu, mang vẻ đẹp hoàn hảo của một hoa khôi bãi biển miền nam California.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN