Sáng 27/11/1944, một máy bay trinh sát cất cánh từ tàu sân bay HMS Implacable của Anh đã phát hiện một đội tàu vận tải của Đức đang di chuyển giữa hai hòn đảo Tjøtta và Rosøya ngoài khơi Na Uy. Lúc đó, con tàu lớn mang tên Rigel cùng một số tàu tuần tra hộ tống đang chạy xuôi theo bờ biển hướng về thành phố Trondheim.
Xem đây là “con mồi” không thể bỏ lỡ, các máy bay ném bom và ngư lôi Fairey Barracuda lập tức cất cánh từ HMS “Implacable” cùng những chiến đấu cơ khác. Thời điểm đó, không sĩ quan quân đội Anh nào có thể tưởng tượng ra sai lầm thảm họa mà họ mắc phải.
Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, tàu Rigel làm nhiệm vụ chở hàng tại Na Uy. Sau khi quân đội Đức chiếm Na Uy năm 1940, nó được trưng dụng để chở quân và vật tư quân sự.
Tuy nhiên, Rigel đã khởi đầu chuyến hành trình bi kịch ngày 27/11/1944 với “hàng hóa” hoàn toàn khác. Trên tàu chở 95 lính đào ngũ người Đức và hơn 2.200 tù binh chiến tranh - phần lớn là lính Hồng quân, cũng như người Nam Tư và người Ba Lan – được canh gác bởi gần 400 binh sĩ.
Mặc dù bị trưng dụng làm nhà tù nổi nhưng tàu Rigel hoàn toàn không thích hợp với nhiệm vụ này. Hàng ngàn người bị nhốt chật cứng trong các khoang hàng, không có hệ thống thông gió và không có thiết bị vệ sinh cơ bản.
Các phi công Anh đã không thể lường trước điều này. Họ tin rằng đã tình cờ bắt dấu được một tàu quân sự Đức đang chở quân tiếp viện đến Trung Âu.
Đội tàu hộ tống Rigel được phòng ngự kém nên không có cơ hội chống lại những oanh tạc cơ của Anh. Rigel bị trúng bom trực diện và bắt đầu chìm nhanh chóng. Vụ nổ đã phá hủy các cầu thang trong khoang hàng, khiến hàng trăm người phải chịu cái chết không thể tránh khỏi.
Bất cứ ai may mắn chạy lên được boong tàu đều phải giành giật lẫn nhau những món đồ cứu sinh ít ỏi. “Đó là một cuộc đấu tranh sinh tử. Tôi còn trẻ khỏe và đã cố gắng hết sức vì cuộc sống của mình”, ông Asbjørn Schultz nhớ lại. Ông ta là một trong tám tù nhân người Na Uy trên tàu Rigel và là người Na Uy duy nhất sống sót.
Nếu không bị thiêu sống trong biển lửa thì họ cũng chết đuối dưới làn nước biển đóng băng. Không chỉ có thế, lính Anh còn bắn vào những người ở dưới nước và những người trên bè cứu sinh, khiến cơ hội sống sót trở nên mong manh.
May mắn lên được bè cứu sinh, Schultz đã tấp vào hòn đảo hoang vắng Rosøya cách đó vài trăm mét. Bạn đồng hành của ông trên chuyến hành trình ngắn ngủi là một người lính Đức và một tù binh Liên Xô. Đến nơi, ba người đi theo ba hướng khác nhau.
Sai lầm của Hải quân Hoàng gia Anh đã cướp đi gần 2.500 sinh mạng, phần lớn là tù binh Liên Xô. Sau cùng, chỉ có 267 người thoát nạn, phần lớn là nhờ vào tài chèo lái của thuyền trưởng Heinrich Rhode khi cố gắng đưa con tàu vào đến vùng nước nông ngoài khơi Rosøya. Tại đây, tàu Rigel chìm xuống vì bị hư hỏng quá nặng.
Nhiều ngày sau đó, thi thể của các nạn nhân xấu số đã trôi dạt vào bờ biển hoặc mắc vào lưới của ngư dân địa phương. Đối với nhiều người trong số họ, con tàu đã trở thành một nấm mồ tập thể. Trong vài thập kỷ, khi nhìn từ đảo Rosøya vẫn thấy mũi tàu vẫn ẩn hiện trên những con sóng. Hài cốt của những người bị mắc kẹt trong tàu được tìm thấy vào năm 1969, sau đó được chôn cất tại một nghĩa trang quân sự trên đảo Tjøtta.