Sát thủ diệt khinh khí cầu của Nga thời Chiến tranh Lạnh

Khinh khí cầu giám sát tầm cao đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới, nhưng thực ra cách đây hơn nửa thế kỷ Liên Xô đã tìm cách chiến đấu với những mục tiêu khó lường này.

Chú thích ảnh
Máy bay diệt khinh khí cầu M-17 tại bảo tàng ở Monino, Moskva.

Từ năm 1956 trở đi, các khinh khí cầu trinh sát trôi dạt ở tầm cao từ các quốc gia phương Tây vào lãnh thổ của các quốc gia thuộc khối Hiệp ước Warsaw đã trở thành mối phiền toái nghiêm trọng đối với giới chức quân sự Liên Xô.

Hàng nghìn khinh khí cầu xâm nhập 

Những quả khí cầu này có thể mang theo truyền đơn, nhưng cũng có thể mang thiết bị trinh sát hoặc thậm chí là bom. Tròn 67 năm trước khi một máy bay chiến đấu F-22 của Không quân Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Nam Carolina vào đầu tháng 2 này, Liên Xô cũng từng bị mắc kẹt trong một trận chiến với những quả khí cầu, nhưng trên một quy mô lớn hơn nhiều.

Một số trong những khí cầu đó thâm nhập sâu hơn 1.900km bên trong lãnh thổ Liên Xô. Nhưng với việc các máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không khi đó của Liên Xô không hoàn toàn hiệu quả đối với khí cầu, Moskva buộc phải đưa ra một số biện pháp chuyên môn hơn. Và đây cũng là câu chuyện về máy bay đánh chặn khinh khí cầu của Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Chú thích ảnh
Máy bay Su-15TM không phải là một nền tảng lý tưởng để tìm và diệt khí cầu do thám. Ảnh: War Zone 

Theo các nguồn tin của Nga, từ năm 1956 đến 1977, có tổng cộng 4.112 quả khí cầu được xác định phía trên không phận Liên Xô, trong đó 793 quả đã bị máy bay chiến đấu bắn hạ. Mặc dù một số quả bóng bay này thuộc về các tổ chức nghiên cứu dân sự, phần lớn chúng được sử dụng cho mục đích quân sự.

Cao điểm của hoạt động khinh khí cầu do thám diễn ra vào tháng 1 và tháng 2/1956, khi gần 3.000 quả được phát hiện. Sau đó, chúng ít khi được thấy hơn. Nhiều năm sau, vào tháng 12/1980 và tháng 1/1981, Liên Xô đã ghi nhận sự hiện diện của hàng trăm quả khí cầu nhỏ hơn xâm nhập.

Thời điểm xảy ra những đợt cao điểm đó mới là đáng chú ý. Trong đợt đầu tiên, vào đầu năm 1956, là khoảng thời gian ngay trước Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô. Đợt thứ hai, cuối năm 1980 đầu 1981, là thời điểm diễn ra kế hoạch can thiệp của khối Hiệp ước Warsaw vào Ba Lan, để phản ứng lại Phong trào Đoàn kết chống phá chủ nghĩa xã hội ở đó.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev trình bày báo cáo tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20 vào tháng 2/1956. Ảnh: Getty Images

Từ ngày 11/8 đến ngày 14/9/1975, 11 quả khí cầu trôi dạt đã được phát hiện trên lãnh thổ Liên Xô ở độ cao từ 11.000 - 14.000 mét. Chúng đã bị tấn công bởi các máy bay đánh chặn do Lực lượng Phòng không Liên Xô vận hành, bao gồm các máy bay chiến đấu MiG-19, MiG-21, Tu-128, Su-15TM và Yak-28P.

Có khi tới hơn chục chiếc máy bay được giao nhiệm vụ xử lý một khinh khí cầu. Trong số 11 quả khí cầu nói trên, 8 quả đã bị bắn hạ. Hai quả khác, với thiết bị mang theo được xác định là đã bị phá hủy. Một quả khí cầu còn lại không bị hư hại. Chi phí tiêu tốn vũ khí ở mức cao, trung bình 1,4 tên lửa không đối không (AAM), 26 tên lửa không điều khiển và 112 viên đạn đại bác cho mỗi khinh khí cầu.

Kiểu sử dụng vũ khí này không thành vấn đề nếu có chỉ có một khí cầu lớn, nhưng sẽ trở nên rất tốn kém nếu có hàng trăm khí cầu như vậy và không biết chúng mang theo vật chất gì.

Những sát thủ khí cầu

Liên Xô đã cải tiến một số tên lửa phòng không cũ như S-25 Berkut (NATO định danh là SA-1 Guild) và S-125 Neva (SA-3 Goa) để nhắm mục tiêu vào khinh khí cầu. Các radar phòng không cũng phải đảm bảo yêu cầu mới là khả năng phát hiện khí cầu, vì người ta nhanh chóng nhận ra rằng khí cầu không thể dễ dàng bị phát hiện bởi radar hiện có.

Việc phát triển máy bay đánh chặn của Liên Xô có khả năng chống lại khinh khí cầu tầm cao bắt đầu vào đầu những năm 1970. Vào tháng 8/1971, một số nhóm thiết kế được lệnh chuẩn bị các đề xuất. Máy bay đánh chặn khí cầu không yêu cầu tốc độ cao vì mục tiêu của chúng hầu như đứng yên. Yếu tố quan trọng nhất là khả năng nhanh chóng đạt đến độ cao rất cao, cũng như cơ động khi ở đó.

Vì radar không hiệu quả lắm trong việc phát hiện và theo dõi khí cầu nên máy bay sẽ được trang bị kính ngắm quang điện. Vũ khí trang bị là một khẩu pháo có thể di chuyển nhắm mục tiêu vào khí cầu bay cao trên trần của máy bay chiến đấu.

Chú thích ảnh
Thiết kế máy bay đánh chặn khí cầu Yak-25PA vào năm 1971. Ảnh: War Zone

Vào tháng 11/1971, nhóm của nhà thiết kế Alexander Yakovlev đã đệ trình một thiết kế máy bay đánh chặn khí cầu Yak-25PA, là một bản sửa đổi của máy bay trinh sát tầm cao Yak-25RV Mandrake trước đó. Trang bị vũ khí của máy bay này là pháo GSh-23 hai nòng trong một tháp pháo di động.

Tuy nhiên, tính năng của Yak-25PA bị đánh giá là kém hơn, chủ yếu do các động cơ R-11V-300 cũ, không có khả năng nâng máy bay lên độ cao hơn 19.000 mét. Đồng thời, máy bay quá nhỏ để chứa các thiết bị và vũ khí cần thiết; trọng lượng cất cánh của nó chỉ là 9.000kg.

Yak-25RV là phiên bản chuyển đổi của máy bay đánh chặn Yak-25 Flashlight, nhưng chiếc máy bay đã được phát triển vội vàng và phần lớn cấu trúc của nó không thay đổi. Mặc dù những đặc điểm này phù hợp với máy bay chiến đấu, nhưng chúng quá nặng đối với máy bay trinh sát.

Chú thích ảnh
Tên lửa đất đối không tầm cao S-25 Berkut tại bảo tàng Kapustin Yar ở Znamensk, Nga. Ảnh: Wikimedia Commons

Vì lý do này, Yak-25RV không bao giờ đạt được hiệu suất mà máy bay trinh sát U-2 của Mỹ mang lại. Máy bay Liên Xô đạt trần bay tối đa là 20.000 mét và chỉ có tầm hoạt động 2.900km. Yak-25RV thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 1/3/1959.

Mặc dù Yak-25RV đã được phát triển như một câu trả lời cho U-2 của Mỹ, nhưng Không quân Liên Xô không mấy quan tâm đến phiên bản trinh sát. Để đạt được hiệu suất ngang bằng với U-2, về cơ bản, họ cần phải chế tạo một chiếc máy bay mới. Kết quả là, có tới 155 chiếc trong số 165 chiếc được sản xuất đã được giao cho một mục đích hoàn toàn khác: trở thành mục tiêu cho các cuộc tập trận tên lửa phòng không.

Chú thích ảnh
Máy bay Yak-25RV Mandrake tại bảo tàng Monino, ngoại ô Moskva. Ảnh: War Zone 

Thay vì Yak-25PA, một dự án khác đã được chọn để thực hiện, với máy bay M-17 hoàn toàn mới từ nhóm thiết kế của Vladimir Myasishchev. Nhưng thiết kế của M-17 không đơn giản.

M-17 là loại máy bay được trang bị một động cơ phản lực duy nhất, là động cơ phản lực mạnh nhất khi đó của Liên Xô, Kolesov RD36-51V. Chiếc máy bay này có thể nhanh chóng lên độ cao lớn, nhưng sức chịu đựng của nó chỉ kéo dài trong hai giờ, không giống như U-2, vốn tăng độ cao chậm nhưng bay rất xa.

Chiếc M-17 đầu tiên được hoàn thành vào năm 1978 tại nhà máy ở Kumertau, lúc đó đang sản xuất trực thăng Ka-26. Chiếc máy bay này là một thứ gì đó mới mẻ đối với nhân viên của nhà máy và việc chế tạo nó rất khó khăn, có rất nhiều lỗi cần phải sửa chữa.

Khi thời hạn thực hiện các kế hoạch đang đến gần, chiếc M-17 đầu tiên đã thực hiện một cuộc bay thử nghiệm ở Kumertau vào giữa tháng 12/1978. Cánh quạt bên phải của nó vô tình bị hạ xuống và máy bay đột ngột quay đầu. Người phi công đã kéo cần trở lại để tránh va chạm với đống tuyết và nâng máy bay lên không trung. Thật không may, khi quay đầu ở tầm nhìn gần như bằng không, cánh máy bay đã mắc vào một ngọn đồi. Phi công thiệt mạng, máy bay bị phá hủy hoàn toàn.

Sau vụ tai nạn này, việc sản xuất những chiếc máy bay tiếp theo được chuyển đến nhà máy ở Smolensk. Chiếc M-17 thứ hai chỉ sẵn sàng ba năm rưỡi sau đó. Chiếc máy bay này cất cánh vào ngày 26/5/1982. 

Năm 1975, khi chiếc M-17 đầu tiên vẫn đang được chế tạo, Liên Xô đã đưa ra một kế hoạch khác để chống lại khinh khí cầu tầm cao. Công ty NPO Almaz ở Moskva bắt đầu thiết kế súng laser Ladoga carbon dioxide (CO2) để lắp đặt trên máy bay vận tải Il-76 Candid, để chống lại khinh khí cầu. Phòng thiết kế Beriev được giao nhiệm vụ chuyển đổi một chiếc vận tải cơ Il-76MD thành một phương tiện vận chuyển súng laser, được đặt tên là A-60.

Kết thúc sứ mạng

Lịch sử của Myasishchev M-17 và Beriev A-60 với tư cách là máy bay đánh chặn khinh khí cầu đã kết thúc khá đột ngột trước khi quá trình thử nghiệm của chúng kết thúc.

Vào nửa cuối những năm 1980, sự quan tâm của lực lượng không quân đối với những chiếc máy bay này bắt đầu giảm dần, vì các khí cầu ngày càng ít xuất hiện hơn. Một trong những vụ bắn hạ cuối cùng diễn ra vào ngày 3/9/1990, khi một khí cầu đang trôi dạt đã bị máy bay đánh chặn Su-15TM Flagon-F bắn hạ ở độ cao 12.000 mét gần Murmansk.

Người ta đã sử dụng cả hai loại máy bay nói trên cho những ứng dụng khác. Máy bay đánh chặn khinh khí cầu M-17 được chuyển đổi thành máy bay trinh sát tầm cao M-17RM, hay còn gọi là M-55 (NATO định danh là Mystic-B).

A-60 vẫn là bệ súng laser nhưng không còn dùng để bắn hạ khinh khí cầu nữa. Sau một thời gian dài gián đoạn, dự án laser chiến đấu trên không đã được nối lại vào ngày 23/12/2002, khi Bộ Quốc phòng Nga ký hợp đồng với công ty NPO Almaz cho chương trình nghiên cứu và phát triển Sokol-Echelon mới. Điều này đã mang lại cho A-60 một vai trò mới: súng laser của nó giờ đây được cho là sẽ "làm mù" cảm biến hồng ngoại của các vệ tinh do thám đối phương.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo War Zone)
Tại sao Mỹ phải dùng tên lửa đắt tiền để bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc
Tại sao Mỹ phải dùng tên lửa đắt tiền để bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc

Để bắn các vật thể lạ trên không phận, Mỹ không dùng đạn rẻ tiền thông thường mà phải sử dụng loại tên lửa đắt tiền, giá 400.000 USD/chiếc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN