1. Năm không có mùa hè
Tháng 4/1815, ngọn núi lửa Tambora ở Indonesia bỗng nhiên bừng tỉnh và trở thành một trong những thảm họa núi lửa chết chóc nhất hành tinh. Dòng sông nham thạch nóng bỏng từ miệng “hung thần” đổ xuống đã cướp đi hàng chục nghìn sinh mạng. Tro bụi núi lửa đã tạo nên một đám mây đen khổng lồ và dày đặc tại tầng bình lưu. Khi đám mây bụi này di chuyển khắp thế giới, nó cản ánh nắng Mặt trời chiếu qua, làm nhiệt độ dưới mặt đất giảm đi gần 3 độ C, đồng thời gây ra các hình thái thời tiết xấu trên diện rộng suốt một năm sau đó.
Tại Ấn Độ, các trận hạn hán và lũ lụt do ảnh hưởng của thảm họa Tambora đã làm thay đổi hệ sinh thái ở Vịnh Bengal cũng như làm bùng phát đợt dịch tả giết chết hàng triệu người. Trong khi đó ở châu Âu, những cơn mưa lạnh buốt không ngớt trong thời gian dài đã gây ra nạn đói và bất ổn tràn lan. Còn ở Mỹ, tuyết rơi dày tại nhiều bang giữa tháng 6, phá hỏng mùa màng, châm ngòi cho một cuộc tuột dốc của nền kinh tế. Vùng lãnh thổ New England vì thế đã gọi năm 1816 là “Năm không có mùa hè”.
Thời tiết biến đổi bất thường năm đó cũng đã dẫn đến nhiều câu chuyện thú vị khác. Chính vì chi phí cho ngựa ăn quá đắt đỏ ở châu Âu nên đã thôi thúc nhà phát minh người Đức Karl Drais chế tạo ra phiên bản sơ khai của xe đạp. Còn ở Thụy Sĩ, do thời tiết mưa u ám kéo dài đã khiến nhà văn Mary Shelley quyết định dành nguyên cả mùa hè ở trong nhà để sáng tác rồi sau đó cho ra đời cuốn tiểu thuyết kinh dị kinh điển “Frankenstein”.
2. Bão Mặt trời Carrington
Bão Mặt trời xảy ra khi năng lượng từ tính bị dồn nén trên bề mặt của vầng thái dương được giải phóng rồi tạo thành các vụ nổ của bức xạ và hạt tích điện từ. Sức mạnh của các vụ nổ này khủng khiếp tương đương với hàng triệu quả bom khinh khí, thổi ra các luồng gió Mặt trời có khả năng phá hỏng bầu khí quyển Trái đất. Đó chính xác là những gì đã xảy ra trong khoảng từ 28/8 đến 2/9/1859 khi địa cầu bị tấn công bởi một cơn bão Mặt trời lớn kỷ lục. Hiện tượng này được gọi là “Sự kiện Carrington” đặt theo tên của nhà thiên văn người Anh Richard Carrington - người đầu tiên quan sát thấy một cơn bão Mặt trời.
Khi bão Carrington đổ bộ, bầu trời trở nên sáng lung linh với nhiều quầng cực quang rực rỡ được trông thấy từ khắp Bắc bán cầu tới vùng Caribe. Theo nhiều ghi chép, cực quang sáng đến nỗi mà những người thợ mỏ trên núi Rocky của Mỹ tưởng rằng đã sang ngày mới nên họ vội vã thức dậy làm bữa sáng. Trong khi đó, người dân vùng đông bắc Mỹ lại có thể dễ dàng đọc báo ngay giữa ban đêm.
Màn trình diễn ánh sáng quả thực là rất đẹp nhưng nguồn từ trường chúng mang tới đã làm rối loạn toàn bộ hệ thống điện tín liên lạc. Hàng loạt máy điện báo ở châu Âu và Bắc Mỹ bị trục trặc, tóe lửa bốc cháy bất ngờ khiến người sử dụng bị bỏng. Bầu không khí lúc đó tích đầy điện. Tại một số nơi, các kỹ thuật viên không cần lắp pin mà thiết bị của họ vẫn hoạt động được như thường.
Bão Mặt trời Carrington đã tiêu tan vài ngày sau đó nhưng các nhà khoa học dự đoán rằng nếu một sự kiện tương tự xảy ra vào ngày hôm nay, đó sẽ là một cú đánh mạnh vào hệ thống viễn thông toàn cầu. Năm 2013, một nghiên cứu chung giữa công ty bảo hiểm Lloyd của Anh và Viện nghiên cứu khí quyển và môi trường của Mỹ chỉ ra rằng nếu sự kiện Carrington lặp lại thì chỉ riêng nước Mỹ thôi cũng sẽ bị thiệt hại khoảng 2,6 nghìn tỷ USD.
3. Đại dịch châu chấu
Hiện tượng châu chấu phá hoại mùa màng là vấn nạn thường gặp vào khoảng cuối thế kỷ 19 ở vùng biên giới Mỹ nhưng sự kiện đen tối nhất phải kể đến mùa hè năm 1874. Khí hậu khô ẩm của mùa xuân năm đó đã tạo ra một môi trường tuyệt vời để đàn châu chấu khu vực núi Rocky đẻ trứng ồ ạt. Hàng triệu triệu con côn trùng đã nở ra, vây hãm khắp các bang Nebraska, Kansas, Dakota, Iowa và một số nơi khác.
Một buổi sáng cuối tháng 7, cô bé nông dân Lillie Marcks trông thấy ánh nắng bỗng dưng tối mờ đi, tiếp đó là một vùng đen tối kỳ dị quét qua bầu trời Kansas cùng với những âm thanh vù vù, sột soạt. Bé gái 12 tuổi mô tả đó như một “tấm màn chuyển động màu xanh xám ngăn cách Mặt trời và mặt đất”. Thứ kì lạ đó bắt đầu rơi từ trên trời xuống như mưa đá, lộp độp trên mái nhà, cây cối, bám chặt vào các đoàn tàu như thể muốn phá hủy mọi vật. Chúng là những con châu chấu háu đói, chỉ cần vừa chạm mặt đất đã gặm nhấm sạch các cánh đồng hoa màu, rau củ, mọi lá cây, ngọn cỏ thậm chí cả quần áo của con người.
Nông dân chạy vội lấy đồ đạc che chắn những giếng nước quý giá. Họ cố dùng lửa xua đuổi đàn côn trùng hay cho nổ tung chúng bằng thuốc súng. Tuy nhiên mọi cố gắng đều vô tác dụng vì bầy châu chấu quá đông. Mùa màng năm đó mất trắng, thiệt hại hàng triệu USD. Quân đội Mỹ được điều động đến vùng gặp nạn để phân phát đồ cứu trợ nhưng rất nhiều người dân đã rời khỏi nơi đây. Tình trạng tương tự vẫn còn xảy ra trong vài năm sau đó. Chỉ tới đầu thế kỷ 20, khi môi trường vùng núi Rocky thay đổi, lũ châu chấu mới biến mất.