Hai ly cà phê giá 14.000 mark, một vé đi nhà hát giá 1 tỉ mark: Trong thời gian siêu lạm phát 1923, người ta phải mang sọt đựng những tờ giấy bạc mệnh giá triệu mark để đi chợ mua thực phẩm. Cho tới nay, sự kiện này vẫn còn khắc dấu ấn trong chính sách tiền tệ của Đức.
Kỳ I: Khi đồng mark bị hủy diệt
Mùa thu 1922, nhà báo Tây Ban Nha Eugeni Xammar được cử sang Béclin công tác, đúng vào một thời điểm lịch sử khi hệ thống tài chính Đức suy sụp và đồng mark bắt đầu tan biến trong không khí. Trong những tháng sau đó, không nơi nào trên thế giới có những tin tức đáng chú ý hơn là tình hình tài chính, giá cả ở Béclin.
Siêu lạm phát 1923 ở Đức bắt đầu với cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. |
Tháng 2/1923, Xammar viết: "Hàng tuần giá vé tàu điện, giá thịt bò, giá vé nhà hát và trường học, giá báo, giá cắt tóc, đường, mỡ đều tăng. Hậu quả là chẳng ai biết số tiền họ có trong tay có thể đủ tiêu đến khi nào và mọi người luôn sống trong lo âu, chẳng ai nghĩ tới gì khác ngoài ăn và uống, mua và bán và cả Béclin chỉ có một chủ đề được nói tới là đồng đôla, đồng mark và giá cả... Anh có thấy không, tôi vừa mua xúc xích, dăm bông và pho mát cho tháng rưỡi tiếp theo rồi".
Hầu như ngày nào Xammar cũng gửi về nước những câu chuyện mới về tình trạng siêu lạm phát, thông tin về sự điên rồ thường nhật trong một đất nước mà đồng tiền trở nên hỗn loạn. Khi chiến tranh bắt đầu vào năm 1914, một đồng USD còn đổi 4,20 mark. Sau đó, đồng tiền Đức liên tục mất giá và từ mùa thu 1922 thì như rơi xuống một chiếc thùng không đáy. Vào tháng 11/1923, một USD đã đổi được 4.200 tỉ mark.
Hầu như không ai hiểu được điều gì đã xảy ra. Sau 3 thế hệ qua đi, nhiều thứ giờ đây nghe lại mà không thể nào tin được.
Lạm phát quá cao khiến người ta phải cân tiền thay vì đếm. |
Một gia đình đã bán nhà và muốn di cư sang Mỹ, nhưng khi tới cảng Hamburg mới nhận ra rằng số tiền họ có không còn đủ cho vé tàu sang Mỹ và thậm chí không còn đủ tiền mua vé tàu về nhà nữa. Một người vào tiệm cà phê, uống 2 ly cà phê với giá 5.000 mark một ly, nhưng khi thanh toán, họ bị đòi trên 14.000 mark với lý do, lẽ ra ông ta phải đặt 2 ly cà phê cùng một lúc, vì trong thời gian ông ta uống hết ly cà phê đầu, giá cà phê đã tăng lên. Có người muốn đi xem kịch, mang theo vài trăm triệu mark, nhưng khi tới quầy bán vé thì bọc tiền đó không đủ nữa, vì vé vào cửa đã lên tới một tỉ mark.
Trong thời gian đó, tỉ lệ lạm phát lên tới hàng chục nghìn phần trăm một tháng và trên thực tế, chẳng còn gì chắc chắn được nữa, mọi trật tự cũ đã mất và cùng với nó là niềm tin vào nền cộng hòa, nền dân chủ và nói chung là niềm tin vào tương lai. Người ta còn có thể trông đợi vào điều gì, khi một phần lớn công dân nhìn thấy những của cải dành dụm được của mình bị mất đi, bị cướp đi, trong khi nhà nước có thể dễ dàng xóa bỏ gánh nợ của mình. Nhà sử học Martin Geyer ở Munich nhận xét: "Nạn lạm phát đã phá hủy nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền về "trung thành và lòng tin"".
Người dân đổ xô đi mua hàng tới mức cảnh sát phải bảo vệ cho một cửa hàng bán bơ. |
Những kinh nghiệm cay đắng của năm 1923 còn hằn sâu trong ký ức của người Đức. Nhưng vì sao mà nạn lạm phát khi đó lại tới mức như vậy, liệu có thể ngăn cản được thảm họa đó không và nếu có thì như thế nào?
Về cơ bản, nạn siêu lạm phát đã bắt đầu với cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. Chi phí cho quân đội và vũ khí vượt qua mọi khả năng tưởng tượng, nước Đức ước tính đã chi 160 tỉ mark cho chiến tranh, một con số khổng lồ. Đế chế này chỉ có thể chi phí được số lượng tiền khổng lồ đó bằng cách kiếm được tiền bằng những biện pháp bất thường.
Để làm điều này, ngày 4/8/1914, chỉ 3 ngày sau khi nước Đức tuyên chiến với nước Nga, Quốc hội Đức đã thông qua cái gọi là Luật tiền tệ, thay đổi một cách cơ bản thị trường tiền tệ Đức. Việc dùng vàng bảo đảm cho đồng mark đã bị hủy bỏ. Nói một cách khác, nước Đức tự do in tiền để lấy tiền chi phí cho chiến tranh mà không có gì bảo đảm cho giá trị đồng tiền.
Khối lượng tiền mặt được đưa vào lưu hành tăng vọt, từ 13 tỉ mark vào năm 1913 đã lên tới 60 tỉ mark khi chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, việc in tiền cũng không đủ để chi trả. Vì vậy, nhà nước phải vay của dân với tổng số lên tới gần 100 tỉ mark. Ban đầu, người Đức nhắm mắt ký giấy cho nhà nước vay tiền với hy vọng nhanh chóng có một chiến thắng quân sự. Vì vậy, khoản nợ của nhà nước đã tăng vọt từ 5 tỉ lên 156 tỉ mark. Năm 1918, chính khách thuộc Đảng Xã hội Eduard Bernstein đã cảnh báo: "Có một giới hạn mà việc in tiền sẽ gây lạm phát, tác động tới sức mua của đồng tiền". Nhưng chẳng ai chịu nghe và khối lượng tiền đưa vào lưu hành liên tục gia tăng, trong khi thị trường hàng hóa ngày càng co lại.
Vũ Long (Tổng hợp theo báo chí Đức)
Đón đọc kỳ 2: Ám ảnh bồi thường chiến tranh