Các quan chức và cựu quan chức Quốc phòng Mỹ lần lượt lên tiếng phản đối ý tưởng của Tổng thống Donald Trump về điều lực lượng quân đội dẹp biểu tình.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng, Tướng 4 sao James Mattis cho rằng biện pháp quân sự hoá này sẽ tạo ra xung đột, một cuộc xung đột sai lầm giữa quân đội với xã hội dân sự. Theo ông, nước Mỹ không phải là chiến trường và người dân Mỹ cũng không phải là kẻ thù để quân đội phải ra tay.
Bộ Trưởng Quốc phòng Mark Esper bày tỏ quan điểm tương đồng, khi ông nói rằng việc sử dụng quân sự dựa trên Đạo luật Chống bạo loạn chỉ nên xem là giải pháp cuối cùng.
Can dự của quân đội vào nền chính trị liên bang không phải là điều mới mẻ và có lịch sử từ năm 1789.
Chia rẽ sắc tộc trong giáo dục ở Little Rock
Một trường hợp nổi bật là vụ điều động sư đoàn kỵ binh số 101 tới Little Rock, thủ phủ bang Arkansas năm 1957, tại thời điểm thành phố này thực hiện hợp nhất trường học. Vụ việc khởi đầu từ việc Orval Faubus, thống đốc Arkansas, không chấp nhận chủ trương hợp nhất này, yêu cầu lực lượng vệ binh quốc gia bang thực thi các biện pháp không để cho học sinh da đen vào học tại các trường mà trước đó chỉ dành cho học sinh gia trắng.
9 học sinh da đen, mỗi cháu được hai mục tu sĩ - một da đen, một da trắng, đưa tới trường Trung học Central, làm thủ tục đăng ký nhập học. Các em phải đối mặt với những tiếng la ó phản đối. Sau nhiều ngày nỗ lực vượt qua hàng rào bảo vệ, không một em nào vào được trường.
Tổng thống Dwight Eisenhower đe dọa sẽ sử dụng “mọi lực lượng cần thiết” để thực thi lệnh hợp nhất giáo dục. Sư đoàn kỵ binh số 101 nhận được mệnh lệnh sẵn sàng lên đường để xử lý vụ việc. Một ngày sau, Thị trưởng Little Rock điện thoại cho Tổng thống, bày tỏ quan điểm chính quyền liên bang phải sử dụng lực lượng quân sự nếu muốn thực hiện hợp nhất giáo dục tại trường Central.
Nhân viên Nhà Trắng tư vấn ông nên gửi đề nghị bằng công văn, một bức điện với nội dung như vậy đã được chuyển tới Tổng thống Eisenhower.
Binh sĩ thuộc sư đoàn kỵ binh số 101 được điều động tới Little Rock để thực thi lệnh của tổng thống, với chủ trương “hạn chế tối đa việc sử dụng vũ lực”. Binh lính được trang bị bình xịt hơi cay, lựu đạn khí - loại có thể ném bằng tay hoặc bắn từ súng trường M1, với quân số đông hơn so với nhu cầu thực tế để đủ sức “kiểm soát tuyệt đối tình hình”.
Giới chỉ huy kỳ vọng, cách thức sử dụng lực lượng này sẽ giảm thiểu nguy cơ bạo lực. Nếu cần phải gây thương tích với đám đông phản đối, con số sẽ ở mức tối thiểu. Lính của sư đoàn kỵ binh 101 tập trung quanh trường Trung học Central vào lúc 5 giờ sáng ngày 25/9/1957, với súng không dương lê. Còn vũ khí nhỏ, đạn hóa học thì được cất giữ ở một khu vực dự bị.
Khi học sinh da đen tới trường, đám đông biểu lộ hận thù ngày một rõ. Tài liệu ghi chép cho biết, đã có 2 người bị thương nhẹ. Căng thẳng tiếp diễn, nhưng đám đông giải tán vào đầu giờ chiều, mọi việc bình ổn trở lại sau đó.
Thế nhưng hệ quả chính trị vẫn còn dai dẳng nhiều tháng. Thượng nghị sĩ Lyndon Johnson tuyên bố, không nên để binh sĩ của bang hay liên bang tuần tra quanh khuôn viên trường học. Một nghị sĩ khác nói thẳng với ông Eisenhower rằng, chiến thuật mà ông sử dụng ở Little Rock “chắc hẳn là sự sao chép từ… cách điều động binh sĩ của Hitler”. Chính những phản ứng này khiến ông Eisenhower phải lên tiếng thừa nhận đây là một trong số ít những lần ông cảm thấy buồn, khi văn phòng tổng thống phải ra lệnh mở chiến dịch quân sự trên đất Mỹ.
“Giới hạn sử dụng quân đội”
Vụ Little Rock không phải là trường hợp cuối cùng. Năm 1991, Rodney King - thanh niên da đen, được nhiều người biết khi bị cảnh sát Los Angeles đánh đập trong đêm. Một năm sau, tòa án tuyên bố tha bổng viên cảnh sát có hành vi bạo lực nhằm King. Quyết định này đã kích hoạt một cuộc bạo loạn sắc tộc ở Los Angeles.
Đụng độ gây ra hệ quả nghiêm trọng. Trong 5 ngày bạo loạn, đã có 54 người chết – con số tử vong cao nhất kể từ vụ bạo động năm 1863 ở New York. 2.328 người bị thương, với thiệt hại lên đến 900 triệu USD tại thời điểm đó - cũng là mức thiệt hại lớn nhất trong một vụ bạo loạn trong lịch sử nước Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Dick Cheney ra lệnh đưa Sư đoàn bộ binh số 7 cùng với 1.500 lính thủy đánh bộ tới Los Angeles. Nhiệm vụ của họ rất đơn giản: Hỗ trợ chính quyền dân sự phục hồi trật tự. Tài liệu của quân đội Mỹ về sau viết rằng, sự xuất hiện của quân thường trực cùng với việc liên bang hóa Vệ binh Quốc gia đã tạo ra hệ quả tức thời, giúp giảm nhanh mức độ bạo loạn ở Los Angeles.
Để thực thi liên bang hóa Vệ binh Quốc gia Los Angeles và đặt lực lượng này dưới quyền điều hành của Tư lệnh Sư đoàn bộ binh số 7, Tổng thống George W. Bush ban hành một quyết định hành pháp, trong đó nêu rõ ông ra lệnh gửi quân không phải là để trấn áp “nổi loạn”, mà là “xử lý những vấn đề bạo lực trong nước”.
Theo Thiếu tướng Charles Dunlap, từng làm tại Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ, việc không sử dụng cụm từ “tổng giám đốc biện hộ là đúng. Với cách tiếp cận này, tổng thống không nhất thiết phải kích hoạt Đạo luật Chống bạo loạn.
Trung tướng Daniel Davis, hiện là chuyên gia cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu Ưu tiên Quốc phòng nhìn nhận, vãn hồi trật tự là nền tảng vững chắc để hợp thức hóa việc sử dụng quân đội, có thể coi đó như là thiết quân luật. Nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu đề cập đến sử dụng quân thường trực để chống lại khối dân sự muốn bày tỏ sự không hài lòng của họ dựa trên nền tảng hiến pháp về phản kháng hòa bình.
Hơn nữa, theo tướng Davis, việc nói rằng Vệ binh Quốc gia “không đủ sức ổn định tình hình” để biện minh cho quyết định điều động quân đội như trong trường hợp vụ George Floyd là không đúng. Vệ binh Quốc gia được huấn luyện, đào tạo để xử lý những tình huống như vậy. Đe dọa điều động quân đội, đó có thể là cách để ông Trump thể hiện sức mạnh và uy tín cá nhân.