Sức lôi cuốn của Hitler là gì? Làm thế nào hắn có thể thuyết phục hàng triệu người Đức bình thường đi theo mình? Tại sao họ vẫn tiếp tục ủng hộ Hitler ngay cả khi bị hắn dẫn tới địa ngục với những vụ tàn sát man rợ? Điểm đặc biệt của con người này là gì?
Bức ảnh Hitler diễn thuyết trong cuốn “Cuộc chiến đấu của tôi”. |
Đó là những câu hỏi khiến các sử gia và nhà bình luận trăn trở suốt 80 năm qua. Rất nhiều người tìm cách giải thích điều này theo sức thu hút, lôi cuốn quần chúng mãnh liệt của Hitler, khả năng thôi miên những người thân và luôn khiến số lượng lớn thính giả lắng nghe diễn thuyết của hắn phải phát cuồng.
Đây là quan điểm mà nhà sản xuất phim tài liệu và sử gia nổi tiếng Laurence Rees đã chọn để trực tiếp thảo luận trong cuốn sách mới nhất của ông. Người viết tiểu sử về Hitler, ông Ian Kershaw bình luận: “Như thường lệ, Laurence Rees lại đưa những câu hỏi xác đáng, và trả lời một cách xuất sắc”.
Điều khiến vấn đề này đặc biệt hấp dẫn, kích thích trí tò mò là trên thực tế, Hitler không gây được thiện cảm, khó ưa và không gây được uy tín lãnh đạo. Xuất ngũ năm 1918 với lon hạ sĩ và nỗi hận nước Đức thua trận, khi đó Hitler là một kẻ lập dị bị đuổi ra khỏi nhà trọ, một kẻ bất hạnh, một kẻ gây rối và là một thanh niên héo hon vì lòng hận thù, hành động theo bản năng và không có lý trí. August Kubizek, người ở trọ cùng Hitler tại Viên vài năm trước đó, đã viết: “Hắn bất mãn với cả thế giới. Hướng mắt tới đâu, hắn cũng nhìn thấy sự bất công, lòng căm ghét và sự thù hằn. Không gì là hắn không chỉ trích, hắn chẳng thích cũng như chẳng thiên vị cái gì... Lòng căm thù ngập tràn khiến hắn phải trút giận lên mọi thứ, chủ yếu là đối với những người không hiểu hắn, những người không coi trọng hắn và những người ngược đãi, quấy rầy, làm khổ hắn”.
Chân dung Hitler sau khi xuất ngũ với lon hạ sĩ năm 1918. |
Khi đứng dưới chiến hào trong Thế Chiến I năm 1913, Hitler đã tìm thấy hướng đi khi phục vụ trong quân ngũ, và nổi bật lên như một người lính dũng cảm. Nhưng khi đó hắn cũng chẳng có gì đặc biệt, thậm chí không vượt qua được lon hạ sĩ. Các chiến hữu của hắn thì cảm thấy “Hitler có cái gì đó lập dị, khác thường”. Sử gia Rees nhấn mạnh rằng trong số bạn chiến đấu cũ của Hitler, không ai nhớ hắn có dáng dấp của “một nhà lãnh đạo phi phàm”.
Có thể thấy, tài năng lãnh đạo hay sức lôi cuốn quần chúng không phải là do bẩm sinh mà có được. Nó là một khái niệm xã hội hay chính là sản phẩm do xã hội tạo ra. Tác giả Rees khá chắc chắn về điều này và viện dẫn hàng loạt ví dụ từ các giai đoạn thành công trong sự nghiệp của Hitler và trong các bối cảnh khác nhau. Ngoài ra, Rees còn so sánh, đối chiếu với các cá nhân bị Hitler mê hoặc, cho dù họ khinh bỉ hắn.
Các đối thủ chính trị của Hitler đã không phát hiện thấy bất cứ tài năng lãnh đạo hay sức lôi cuốn nào của hắn. Ngay từ những năm đầu thành lập, thành viên đảng Đức Quốc xã đã hiểu rõ vai trò của mình là phát ngôn viên cho những người lính tham chiến với học thuyết “quyền lực nằm trong tay những người đã đổ máu dưới những chiến hào”. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng trong cuộc bầu cử liên bang năm 1919, hơn 70% số binh sĩ vẫn phục vụ quân đội ở Munich đã bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ Xã hội.
Rees đã phát hiện ra sự thiếu sức lôi cuốn quần chúng của những thành phần chính trị trong Đảng Quốc xã. Ông nêu ra một ví dụ: Hebert Richter, một cựu quân nhân Thế Chiến I, thấy ác cảm với Hitler hơn nhiều khi gặp hắn ở quán cà phê tại Munich năm 1921. Richter 'ngay lập tức ghét hắn' vì ‘chất giọng sin sít’ và xu hướng ‘gào thét’ các ý tưởng chính trị. Richter cũng thấy ngoại hình của Hitler có phần nào ‘tức cười, với ria mép nhỏ nhắn khôi hài của hắn’, và đi đến kết luận rằng con người này ‘quái dị’ và ‘không bình thường cho lắm’ ”.
Đây không chỉ là cảm nhận của những đối thủ chính trị. Một thời gian sau, khi Đảng Quốc xã lên nắm quyền và trong những năm tháng chiến tranh, rất nhiều người tiếp xúc với Hitler cũng có ấn tượng không tốt. Doanh nhân và nhà ngoại giao người Thụy Điển Birger Dahlerus, khi gặp Hitler trong sự kiện lịch sử tháng 8/1939, đã kết luận rằng “trạng thái cân bằng tinh thần” của Quốc trưởng “rõ ràng là không ổn định” và Hitler “giống với một bóng ma bước ra từ truyện hơn là người thật”, sau khi chứng kiến một trong những bài diễn thuyết quân phiệt đinh tai nhức óc của lãnh đạo nước Đức này.
Một kết luận rõ ràng được đưa ra: Sức lôi cuốn quần chúng là một mối quan hệ xã hội. Nó chỉ tồn tại chừng nào còn có những khán thính giả ủng hộ - cụ thể là một nhóm người muốn tin và đến để chứng kiến một người thủ lĩnh, biểu tượng cho nỗi sợ và hy vọng của họ.
Tác giả Rees đã trích dẫn lời nhà lý luận xã hội Đức Max Weber (1864 - 1920) làm minh chứng. Weber đã viết về “tài lãnh đạo có sức lôi cuốn” hồi đầu thế kỷ 20. Rees giải thích: “Theo Weber, nhà lãnh đạo ‘có sức lôi cuốn’ phải sở hữu yếu tố ‘truyền giáo’ mạnh mẽ và gần như là một hình tượng tôn giáo. Những người ủng hộ nhà lãnh đạo như vậy đều mong muốn nhiều thứ hơn là thuế thấp hay hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt. Họ mưu cầu cao xa, đến cả những mục đích tâm linh như sám hối và cứu rỗi linh hồn. Nhà lãnh đạo có sức thu hút, lôi cuốn không thể tồn tại dễ dàng trong cấu trúc quan liêu thông thường, mà người này được thúc đẩy bằng ý thức về vận mệnh của bản thân”. Về mặt này, Hitler chính là ‘nhà lãnh đạo có sức hút’ điển hình”.
Phương Hiền
Đón đọc kỳ cuối: Cơn say không tưởng