Khi người Nga trở lại “sân sau” của Mỹ - Kỳ cuối

Tái hiện khủng hoảng Caribê

Người Nga đã có những thời khắc huy hoàng khi góp phần quan trọng vào chiến thắng của Liên minh thứ sáu (bước đầu gồm Anh và Nga, sau đó kết nạp thêm Phổ, Áo, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các vương quốc Bayern, Württemberg, Sachsen) trước đội quân kiêu dũng của Napoleon, buộc vị hoàng đế lừng danh trong lịch sử nước Pháp này phải thoái vị, nhường ngôi cho vua Louis XVIII.


Hơn 130 năm sau cuộc Chiến tranh vệ quốc 1812 ấy, người Nga lại có một cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, không chỉ giải phóng mình mà cả khu vực Đông Âu khỏi ách thống trị của phát xít Đức. Và vì thế họ có quyền tự hào về lịch sử oai hùng của dân tộc. Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, với tư cách là người kế thừa chính những di sản của Liên bang Xô viết, Nga rơi vào thế "lực bất tòng tâm". Một thời gian dài, Mátxcơva chỉ có thể đưa ra những tuyên bố phản đối, mà không thể tìm ra biện pháp hữu hiệu ngăn chặn hành động o ép không gian chiến lược của phương Tây.


Máy bay Su-30MKV của Vênêxuêla mua từ Nga.


Hiện nay, khi nền kinh tế trên đà chấn hưng, thanh toán xong những khoản nợ phương Tây, sức mạnh tổng hợp được nâng lên, Nga đã không ngồi yên. Xét về mặt quân sự, Nga chưa thể so sánh với Liên Xô trước đây. Nhưng trên bình diện ngoại giao và kinh tế, rõ ràng Nga có ưu thế hơn so với Liên Xô. Phương Tây, mà cụ thể là Mỹ, rất cần sự giúp đỡ và hợp tác của Nga trong việc giải quyết các vấn đề như: chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, cắt giảm quân bị, tái thiết Ápganixtan, hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên. Châu Âu lại phụ thuộc nghiêm trọng vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga mà Mátxcơva thì đã có tiền lệ sử dụng loại vũ khí này. Đó chính là cội nguồn động lực cho thái độ cứng rắn của Nga trước những hành động của Mỹ làm tổn hại "niềm tự hào" và lợi ích của Nga như: công nhận nền độc lập của Côxôvô, triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và CH Séc, vận động kết nạp Grudia và Ucraina vào NATO ...

 

Để đáp trả, đương nhiên, Nga phải "phô diễn cơ bắp". Mátxcơva đã "đạo diễn" vở kịch Nam Ossetia và Abkhazia theo đúng cái cách mà Mỹ và phương Tây đã làm ở Côxôvô. Sau đó, khi NATO do Mỹ đứng đầu không ngừng tăng cường quân lực ở "ao nhà" Biển Đen của Nga, Mátxcơva đã điều máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và một liên đội tàu chiến tới "sân sau" của Mỹ, đề nghị Cuba lại trở thành nơi tiếp dầu cho các máy bay ném bom tầm xa của mình… Sự cọ sát giữa Nga và Mỹ ở khu vực Mỹ Latinh đã khiến nhiều người liên tưởng tới cuộc khủng hoảng Caribê (khủng hoảng tên lửa hạt nhân Cuba) tháng 10/1962.


Bản đồ hiển thị hai lần Đông tiến của NATO


Nếu so sánh với tình hình vụ khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, cục diện mới này nguy hiểm hơn hẳn đối với Mỹ. Trước kia, khi vấp phải sự phản kháng quyết liệt của Tổng thống Mỹ John Kennedy, kể cả bằng đe dọa chiến tranh nguyên tử, cuối cùng, nhà lãnh đạo Liên Xô, Nikita Khrushchev đã phải ra lệnh rút hết tên lửa hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược Il-28 bố trí bí mật ở Cuba về nước. Kế hoạch đưa trận địa tiến công đặt trước cửa ngõ của Mỹ do Mátxcơva đưa ra đã thất bại. Hiện nay, Cremli có thể thoải mái đưa máy bay và tàu chiến mang vũ khí hạt nhân đến "sân sau" của Mỹ rồi lại đi. Oasinhtơn chẳng thể "la lối" vì Mátxcơva đâu có để lực lượng thường trực tại Mỹ Latinh và việc Nga đưa máy bay, tàu chiến đến đây là theo lời mời và nhận được sự hoan nghênh của nước chủ nhà. Thêm vào đó, chính khả năng "đến rồi đi" này nguy hiểm hơn việc "cắm lực lượng tại chỗ" vốn dễ trở thành mục tiêu hủy diệt.

 

Tuy nhiên, vẫn phải thấy rằng mục đích chính của Nga khi thực hiện hành động trên chủ yếu là muốn cho Mỹ biết, Nga cũng có đồng minh quan trọng ở "sân sau" của Mỹ. Nga đang tập trung phát triển kinh tế, rất cần Mỹ với tư cách là một trong những bạn hàng thương mại lớn và để gia nhập WTO. Điều đó giải thích tại sao ngày 20/9/2008, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Andrei Denisov đã tuyên bố thắt chặt quan hệ với Mỹ là "một trong những ưu tiên hàng đầu bất kể những thay đổi chính trị" và Nga-Mỹ không nên để những mâu thuẫn về chính trị làm ảnh hưởng đến thương mại hai nước. Bản thân các nước Mỹ Latinh cũng rất cần đến thị trường Mỹ. Dù Tổng thống Vênêxuêla, Hugo Chavez, nhiều lần tuyên bố sẽ cắt nguồn cung cấp dầu cho Mỹ nếu chính phủ Mỹ cố tình can thiệp vào công việc nội bộ của Vênêxuêla, nhưng trong trường hợp ấy, rõ ràng Caracát rất khó có thể nhanh chóng tìm một thị trường tiêu thụ khác lớn như Mỹ. Bôlivia cũng ở hoàn cảnh tương tự: Mỹ là một trong những thị trường đầu ra lớn nhất cho các loại khoáng sản của nước này. Do đó, có thể thấy khả năng tái hiện khủng hoảng Caribê là rất thấp, nhưng sự tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và Mỹ ở Mỹ Latinh sẽ khiến tình hình khu vực này thêm phức tạp, thúc đẩy các nước ở đây tiếp tục cuốn sâu vào vòng xoáy tăng cường vũ trang.

 

Nga muốn "vu hồi" vào "sân sau" của Mỹ, Mỹ muốn tái thiết lập trật tự ở Mỹ Latinh, nhưng theo nhiều nhà phân tích, Vênêxuêla mới là người được lợi nhiều nhất. Mấy năm gần đây, Vênêxuêla ngày càng xích lại gần Nga. Kim ngạch thương mại giữa Vênêxuêla và Nga đã đạt 1,1 tỉ USD vào năm 2007, tăng hơn 200% so với mức 517 triệu USD của năm 2006. Về quân sự, Caracát không chỉ được Mátxcơva đồng ý đặt bút kí vào hợp đồng xây dựng nhà máy sản xuất súng bộ binh tự động AK (Kalasnikov), trung tâm kĩ thuật duy tu máy bay quân dụng và trung tâm bồi dưỡng phi công, duy tu máy bay trực thăng, mà còn mua được từ Nga nhiều loại vũ khí hiện đại khác với tổng trị giá lên tới 4,4 tỷ USD như: máy bay chiến đấu Su-30MKV, máy bay trực thăng vận tải Mi-17, xe chiến đấu bộ binh BMP-3, súng bộ binh tự động AK-103, AK-104… Sắp tới, tàu chiến của Nga lại cập cảng Vênêxuêla. Qua đó, Caracát muốn chuyển tới Oasinhtơn thông điệp rằng: Mỹ không phải là "anh cả" duy nhất ở khu vực Caribê.

 \


Thành Nam (Tổng hợp)


Đón đọc số tới: Viên đạn lạc

Gió đã đổi chiều nơi “sân sau” của Mỹ
Gió đã đổi chiều nơi “sân sau” của Mỹ

Cùng với quá trình kết thúc của Chiến tranh Lạnh, ảnh hưởng của Mátxcơva ở khu vực Mỹ Latinh giảm xuống nhanh chóng. Dựa vào thực lực kinh tế và sức mạnh quân sự, nhân cơ hội này, Oasinhtơn đã mở rộng, tăng cường sự hiện diện của mình tại đây...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN