Tại sao người Mỹ 'khư khư' súng đạn?-Kỳ cuối: Đâu là sự thực?

Năm 1997, David Hemenway, Giáo sư tại Đại học Harvard, đã lần đầu tiên có những phản bác lại lập luận của Kleck và Getz, trong đó đưa ra một số bằng chứng về quan điểm thiên vị của hai nhà tội phạm học này trong nghiên cứu của mình.

Một là, sự thiên vị về mặt tâm lý xã hội. Những người tham gia khảo sát đã đưa ra những tuyên bố không thành thật rằng họ dùng súng vì những mục đích chính đáng - như chống lại tội phạm - để biện minh cho lý do họ mua vũ khí. Một người khác khi được hỏi cũng có thể nói quá sự thực để tỏ ra là một nhân vật anh hùng trong mắt người khảo sát.

Người Mỹ mua súng tại một hội chợ súng đạn.


Hai là, có vấn đề đối với cách những người sử dụng súng phản ứng đối với cuộc khảo sát. Hiệp hội súng đạn Mỹ (NRA) có khoảng 3 triệu thành viên và Hemenway cho rằng lực lượng đông đảo này đã thêu dệt nên các câu chuyện hoặc tình huống cần phải sử dụng súng để bảo vệ quan điểm của mình nhằm ủng hộ văn hóa súng đạn trong xã hội Mỹ.

Chính những cách tiếp cận không công bằng này đã đưa tới những kết quả khảo sát sai lệch. Thậm chí, thực tế cho thấy trong nhiều tình huống đối mặt với tội phạm, những người sở hữu súng có xu hướng tự bảo vệ bản thân mình nhiều hơn là mạo hiểm lộ mặt chống lại những tên tội phạm chuyên nghiệp.

Chẳng hạn, theo khảo sát của Kleck và Getz, súng được người Mỹ dùng để tự vệ trong 845.000 vụ cướp/năm. Tuy nhiên, theo các khảo sát đáng tin cậy, khoảng 1,3 triệu vụ trộm đột nhập vào những thời điểm có người ở nhà và 67% diễn ra vào thời điểm chủ nhà đi ngủ.

Trong khi đó, vào thời điểm Kleck và Getz tiến hành khảo sát, chỉ 42% gia đình Mỹ sở hữu súng, vậy nên ngay cả khi các vụ trộm nhắm vào đúng các gia đình có súng, con số 845.000 mà họ đưa ra là không lôgic về mặt toán học.

Mặc dù dữ liệu khảo sát về việc bảo vệ quyền sử dụng súng của người Mỹ rõ ràng là không đáng tin cậy, nhưng tới nay không có nhiều nghiên cứu phản bác lại lối suy nghĩ theo kiểu kinh nghiệm này. Một nỗ lực khoa học đáng kể là nghiên cứu tại bang Arizona dựa trên các báo cáo của cảnh sát và tòa án về các vụ sử dụng súng để tự vệ tại thành phố Phoenix, trong khoảng thời gian 100 ngày.

Tại thời điểm khảo sát, Arizona là nơi có tỷ lệ người chết vì súng đạn đứng thứ 6 ở Mỹ và có tỷ lệ gia đình có súng cao hơn mức trung bình cả nước. Trở lại với suy luận từ kết quả khảo sát của Kleck - Gertz đối với trường hợp thành phố Phoenix, hai chuyên gia này dự tính tại đây sẽ có 98 người thiệt mạng hoặc bị thương và 236 vụ nổ súng để tự vệ.

Nhưng thực tế, nghiên cứu thấy rằng chỉ có tổng số 3 vụ nổ súng vì mục đích tự vệ, trong đó có một trường hợp nổ súng do xung đột giữa hai gia đình với nhau.

Gói dữ liệu khảo sát mới do tổ chức Dữ liệu về bạo lực súng ống cũng đã cho thấy thống kê của Kleck và Getz là vô lý. Dữ liệu thống kê trong năm 2014, dựa trên các báo cáo của cảnh sát, cho thấy ở Mỹ có chưa tới 1.600 vụ sử dụng súng để tự vệ, rất ít so với con số ước tính hàng triệu vụ/năm của Kleck và Getz.

Những người phản đối sẽ cho rằng không phải tất cả vụ dùng súng để tự vệ đều được báo cáo cho cảnh sát. Điều này đúng, nhưng dẫu vậy, thống kê của hai nhà tội phạm học trên trước đó đã chỉ ra rằng hơn 50% vụ nổ súng để tự vệ đều được người Mỹ báo cáo cho cảnh sát. Tức là sẽ có khoảng ít nhất 3.200 vụ như vậy mỗi năm theo cách tính của Kleck và Getz.

Phản ứng với những chỉ trích về cuộc khảo sát của mình, chính Kleck hồi năm 1997 cũng thừa nhận rằng 36 - 64% các trường hợp sử dụng súng để tự vệ dường như là bất hợp pháp, tức việc dùng vũ khí thường được dùng để đe dọa hoặc làm hại người khác hơn là vì mục đích phòng vệ chính đáng.

Điều này sau đó đã được một nghiên cứu của Harvard khẳng định, theo đó, ủy ban gồm 5 thẩm phán cho biết 51% trường hợp dùng súng tự vệ là phi pháp. Hay nói cách khác, việc có thêm súng trôi nổi trong xã hội, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều hơn các vụ giết người, tự tử, nhiều phụ nữ, trẻ em và đàn ông phải chết, chứ không hề ít đi như người Mỹ vẫn nghĩ. Trung bình hàng năm, tại Mỹ, khoảng 100.000 người thương vong do súng.

Trên đây chỉ là một trong số những nguyên nhân lý giải cho việc sử dụng súng tràn lan tại Mỹ. Thực tế, ngoài lý do để tự vệ, súng đạn với người Mỹ còn thể hiện quyền dân chủ và còn là một nét “văn hóa”.

Với thực tế là 90% người dân Mỹ sở hữu súng, đứng đầu thế giới về tỷ lệ sở hữu súng cá nhân (vượt xa nước đứng thứ hai là Serbia với 58,2%), sẽ không ngạc nhiên khi trong tương lai, thế giới sẽ còn tiếp tục được nghe tin về các vụ bắn giết thậm chí là các vụ giết người hàng loạt do chính công dân Mỹ thực hiện.


Thái Nguyễn


Tại sao người Mỹ 'khư khư' súng đạn? - Kỳ 1
Tại sao người Mỹ 'khư khư' súng đạn? - Kỳ 1

Theo nghiên cứu của các nhà tội phạm học, mỗi năm tại Mỹ có tới 2 triệu vụ dùng súng để tự vệ, gấp 5 lần số vụ dùng vũ khí nóng để phạm tội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN