40 năm Ngày Giải phóng miền Nam - Phần 1: Những dấu mốc lịch sử-Bài 1

Tầm chiến lược của Chiến dịch Tây Nguyên

“Chiến thắng Tây Nguyên mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 đã tạo cho ta sức mạnh toàn diện mới, rất lớn. Nó giúp ta những kinh nghiệm quý giá và mở ra những tiền đề vô cùng thuận lợi để tiếp tục đẩy cuộc tiến công phát triển mạnh mẽ. Điều quan trọng là nó đã tạo ra sự thay đổi cơ bản về tinh thần - tư tưởng, về so sánh lực lượng, về thế chiến lược giữa ta và địch" (nguyên Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên Hoàng Minh Thảo).

Bằng mọi phương tiện thô sơ và cơ giới, các chiến sỹ vận tải Tây Nguyên vận chuyển hàng nghìn tấn hàng hóa phục vụ chiến dịch. Ảnh: Thanh Tụng - TTXVN


Đòn chiến lược then chốt mở đầu

Đầu năm 1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã kịp thời đánh giá đúng lực lượng so sánh giữa ta và địch, chỉ rõ sự xuất hiện thời cơ lịch sử và nêu quyết tâm chiến lược: Đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Để thực hiện quyết tâm chiến lược này, ta chủ trương tạo thế liên hoàn trên toàn chiến trường miền Nam, áp sát Sài Gòn và các thị xã, đẩy mạnh các mặt đấu tranh trên cả ba vùng chiến lược. Vấn đề trước hết là chọn chiến trường mở đầu cho cuộc tiến công chiến lược. Qua sự phân tích tổng quát, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định chọn Tây Nguyên làm địa bàn đột phá, mở đầu trận quyết chiến chiến lược, vì Tây Nguyên là vùng cao nguyên rộng lớn có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng. Trong Tây Nguyên, ta lại chọn Buôn Ma Thuột làm nơi điểm huyệt để đánh trận mở đầu - trận then chốt quyết định. Ngày 5/2, Quân ủy Trung ương - Bộ Tổng Tư lệnh thành lập Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên và chỉ định Trung tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh.

Ngày 4/3, chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu. 2 giờ 30 phút sáng 10/3, Trung đoàn đặc công 198 được tăng cường các phân đội hỏa lực B72, ĐKZ đánh sân bay thị xã Buôn Ma Thuột, sân bay Hòa Bình, khu kho Mai Hắc Đế, mở màn cuộc tiến công Buôn Ma Thuột. 6 giờ 30 sáng 10/3, quân ta làm chủ sân bay và khu kho Mai Hắc Đế, đánh chiếm xong điểm cao Chư Ebua. 11 giờ 30 ngày 10/3, quận lỵ Hòa Bình được giải phóng.

Từ 6 giờ đến 8 giờ ngày 11/3, pháo binh ta bắn dồn dập vào Sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy. Tiếp đó, bộ binh và xe tăng ta chia thành 3 mũi, tiến công vào sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy. Đúng 11 giờ trưa ngày 11/3, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã được kéo lên trên cột cờ của sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy, quân ta làm chủ hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột, hoàn thành trận đánh then chốt mở đầu thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên.   

Từ 12 đến 15/3, địch dùng hàng trăm lượt chiếc trực thăng đổ quân của sư đoàn 23 (chỉ thiếu trung đoàn 45) xuống các khu vực điểm cao 351, Phước An, Tân Trại, chiếm các vị trí có lợi trên đường 21 nhằm phản đột kích chiếm lại Buôn Ma Thuột. Sáng 14/3, quân ta tiến công tiểu đoàn ngụy ở chân điểm cao 581. Chiều 15/3, quân ta bắn pháo vào điểm cao 581. Sáng 16/3, quân ta tiến công vào Nông Trại, tiêu diệt gần hết trung đoàn 45 ngụy, số còn lại chạy về Phước An. Ngày 17/3, quân ta tiến công tiêu diệt và làm tan rã gần hết cụm quân địch ở Phước An. Ngày 18/3, quân ta đánh trận tiêu diệt sư đoàn 23 ở Chư Cúc, đập tan cuộc phản kích của địch, hoàn thành trận then chốt thứ hai của chiến dịch Tây Nguyên. Sau khi mất Buôn Ma Thuột, Nguyễn Văn Thiệu - Tổng thống Việt Nam cộng hòa quyết định “Tùy nghi di tản” - một quyết định hoàn toàn sai lầm về chiến lược.

Ngày 18/3, quân ta tiến công địch trên đường số 7 và thị xã Cheo Reo (Đắk Lắk). Đến 18 giờ ngày 18/3, quân ta giải phóng thị xã Cheo Reo. Ngày 21/3, ta truy kích địch đến Phú Túc và ngày 22/3 truy kích địch đến Ga Pui. Ngày 22 và 23/3, quân ta phá cầu Sơn Hòa trên đường số 7 chặn đường rút của địch, chốt chặt đường ở đông Củng Sơn. Ngày 24/3, quân ta tiến công Củng Sơn, tiêu diệt và bắt toàn bộ quân địch ở đây, kết thúc chiến dịch Tây Nguyên. Quân ta đã tiêu diệt hơn 20.000 tên địch, thu và phá hủy 154 máy bay, 1.096 xe, 17.188 súng các loại.

Ý nghĩa chiến dịch và sự đổi mới của Tây Nguyên

Sau 40 năm nhìn lại, Chiến dịch Tây Nguyên vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn, huyền thoại như truyện cổ tích. Từ việc chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Phải theo dõi, nắm chắc tình hình, tình hình có thể xảy ra đột biến, phải hết sức chủ động hành động, không chờ lệnh cấp trên, thời cơ có thể diễn ra rất nhanh, không được do dự, chậm trễ”. Rồi sự trăn trở của vị tướng Tư lệnh chiến dịch Hoàng Minh Thảo trong việc bài binh bố trận trên sa bàn, đến chuyện chưa từng có, khi một sư đoàn ô tô vận tải chở một sư đoàn bộ binh tốc hành tới ngay mặt trận, xuống xe là nổ súng được ngay; rồi chuyện Đại tướng Văn Tiến Dũng chỉ đạo "đánh trận như dân gian đánh một la mười"...


Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên là kết quả của sự vận dụng sáng tạo đường lối quân sự của Đảng, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Thắng lợi to lớn của Chiến dịch đã tạo ra sự thay đổi căn bản về so sánh lực lượng và thế chiến lược có lợi cho ta, còn địch bị suy sụp và tan rã về chiến lược, dẫn đến co cụm và bị động đối phó trên các chiến trường. Chiến thắng mở ra thời cơ của cuộc tổng tiến công chiến lược, tạo điều kiện cho chiến dịch Trị Thiên - Đà Nẵng, mở ra bước ngoặt quyết định cho thời kỳ toàn thắng của cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lí luận và thực tiễn. Trong đó, có một bài học sâu sắc nổi bật cho mọi thời kỳ, mọi giai đoạn cách mạng, lúc chiến tranh cũng như trong hòa bình xây dựng, đó là việc đánh giá đúng vị trí, ý nghĩa chiến lược của địa bàn Tây Nguyên. Do đó, Đảng, Nhà nước ta đã luôn coi trọng xây dựng Tây Nguyên phát triển toàn diện, vững chắc. Trong năm 2014, toàn vùng Tây Nguyên tăng trưởng GDP đạt 8,74%, tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 2,5 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 34,9 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng hiện còn 10,12%. Tây Nguyên đang dần đổi mới và phát triển theo hướng nhanh và bền vững.


Trần Tiến Duẩn

Bài 2: Đập tan lá chắn mạnh nhất của địch ở Trị Thiên

Bước ngoặt quyết định sau chiến dịch Đà Nẵng
Bước ngoặt quyết định sau chiến dịch Đà Nẵng

Chiến thắng vang dội của Chiến dịch Đà Nẵng (26 - 29/3/1975) làm cho lực lượng so sánh giữa ta và địch có bước ngoặt quyết định, hoàn toàn có lợi cho ta.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN