Kỳ 2: Cuộc chạy nước rút... 1 năm
Khép lại những ngày thi đấu sôi động của Thế vận hội Luân Đôn 2012, Công viên Olympic chính thức mang tên Nữ hoàng Elizabeth II để kỷ niệm 60 năm trị vì của bà. Và cũng từ thời điểm đó, dự án trị giá 300 triệu bảng (480 triệu USD) đã được gấp rút triển khai để chuyển đổi hoặc xây mới các công trình trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục 12 tháng.
Thị trưởng Luân Đôn Boris Johnson (thứ 2 từ trái sang)và LLDC nhất trí cho CLB West Ham United thuê sân vận động Olympic. |
Hàng loạt các công ty được Tập đoàn Phát triển Di sản Luân Đôn (LLDC) "chọn mặt gửi vàng", trong đó BAM Nuttall đảm nhận vai trò giám sát. Người phát ngôn của LLDC tuyên bố rằng Công viên Olympic Nữ hoàng Elizabeth sẽ trở thành một phần nổi bật của thủ đô Luân Đôn với khu kinh doanh, vui chơi giải trí, nhà ở và công viên mới, tất cả đều nhằm phục vụ cộng đồng.
Chuyển đổi theo hướng đa năng
Ngay trước khi diễn ra Thế vận hội, công ty đầu tư bất động sản Delancey và tập đoàn đầu tư Qatari Diar đã ký thỏa thuận mua lại toàn bộ khu làng vận động viên với giá 557 triệu bảng (891 triệu USD) để chuyển đổi thành căn hộ. Ông Boris Johnson - Thị trưởng Luân Đôn - cho rằng sự quan tâm của giới đầu tư bất động sản là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế thủ đô, đặc biệt là khu vực phía đông. Sau Thế vận hội, các công trình tạm như nhà thi đấu bóng rổ, đường dành cho người đi bộ... được dỡ bỏ. Nhiều tuyến đường nối giữa công viên và vùng phụ cận được sửa chữa, mở rộng. Trung tâm Thể thao dưới nước được điều chỉnh lại chỉ còn khoảng 2.500 chỗ ngồi, và khu nhà thi đấu môn bóng ném Copper Box sẽ do Công ty TNHH Giải trí Greenwich quản lý và điều hành.
Sau khi cải tạo, Trung tâm Thể thao dưới nước không chỉ phục vụ các sự kiện thể thao, mà còn đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân địa phương với trường học, câu lạc bộ. Sàn của tất cả bể bơi đều có thể di chuyển được để thay đổi độ nông sâu và kích cỡ. LLDC cũng dành hợp đồng xây mới 1.000 căn nhà trong Công viên Olympic Nữ hoàng Elizabeth cho nhà thầu Taylor Wimpey nhằm góp phần giải bài toán khó về vấn đề nhà ở của người dân.
Toàn bộ khu làng vận động viên Thế vận hội 2012 được chuyển đổi thành căn hộ. |
Ông Johnson và LLDC quyết định duy trì quyền sở hữu công đối với Sân vận động Olympic. Vừa qua, Câu lạc bộ bóng đá West Ham United đã giành được hợp đồng thuê sân vận động này làm sân nhà trong 99 năm bắt đầu từ mùa bóng 2016 - 2017. LLDC, CLB West Ham United và Quận Newham (Luân Đôn) sẽ cùng đầu tư sửa lại sân vận động cho phù hợp hơn với các trận bóng đá. Chính phủ Anh đã cam kết sẵn sàng hỗ trợ 25 triệu bảng nếu cần thiết để đẩy nhanh dự án. Thỏa thuận hợp tác ba bên đảm bảo rằng sân vận động với 54.000 chỗ ngồi sau khi điều chỉnh vẫn có thể đăng cai những sự kiện thể thao, văn hóa và cộng đồng. Năm 2015, giải vô địch thế giới của Liên đoàn Điền kinh Quốc tế sẽ diễn ra tại sân vận động này.
Vì tương lai nhiều thế hệ
“Luân Đôn đã dỡ bỏ thanh barrier ngăn cản nỗ lực tạo ra di sản sống mãi với thời gian. Những gì mà thành phố lịch sử vĩ đại này đạt được cũng chính là kinh nghiệm quý báu đối với các địa điểm đăng cai Thế vận hội sau này", Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Jacques Rogge khẳng định. |
Đó là phương châm mà LLDC hướng tới trong quá trình triển khai dự án cải tạo, chuyển đổi và xây dựng mới một số hạng mục thuộc Công viên Olympic Nữ hoàng Elizabeth. Vì vậy, bất cứ công trình nào, dù lớn hay nhỏ, cũng phải thỏa mãn yêu cầu về phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và đáp ứng nhu cầu của người dân Luân Đôn, không chỉ một mà nhiều thế hệ sau này. Mọi người đến với công viên cũng như về với "mái nhà" Olympic sôi động và đáng nhớ. "Thật lý thú nếu bạn bơi ở ngay bể bơi mà kình ngư người Mỹ Michael Phelps từng đoạt 4/10 huy chương vàng Olympic", LLDC viết trong một thông báo.
Thổi luồng sinh khí mới để ký ức về Thế vận hội 2012 sống mãi với người dân Luân Đôn, LLDC đã biến cả một vùng đất phía Đông thành cơ hội "vàng" đối với mỗi nhà đầu tư. Họ đổ xô về Stratford để làm ăn trong lúc nền kinh tế Anh chưa thoát khỏi bóng ma suy thoái do nợ công và thâm hụt ngân sách. Không thể phủ nhận một thực tế rằng dự án cải tạo Công viên Olympic Nữ hoàng Elizabeth đang góp phần kích thích tăng trưởng của nền kinh tế Anh, đặc biệt là sau khi nó được đưa vào khai thác từ tháng 7/2013.
Giấc mơ của Gaskell lúc sinh thời không còn là điều viển vông. Những người trước đây từng nghe Gaskell thuyết phục bán đất để xây dựng sân vận động, nhà thi đấu, cung thể thao... giờ đây đang hưởng lợi từ chính quyết định đúng đắn của mình. Một mã bưu điện mới được hình thành (E20), nhiều trường học, bệnh viện, mẫu giáo, trung tâm mua sắm, khu nhà ở, khu vui chơi giải trí và thăm quan du lịch... đang mọc lên. Tất cả hứa hẹn một tương lai sáng lạn, đúng như mục tiêu mà các quận ở Luân Đôn đăng cai tổ chức Thế vận hội đề ra từ năm 2009: mang cơ hội Olympic đến với mọi người, mọi nhà.
Lê Phương (P/v TTXVN tại Anh)
Đón đọc kỳ cuối: "Cú huých" cho nền kinh tế