Thảm họa khinh khí cầu R101- Kỳ 1: Cuộc cạnh tranh điên rồ

Đây là thảm họa không đáng có lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không. Bi kịch của chiếc khinh khí cầu R101 không chỉ cướp đi 48 sinh mạng, nó còn là một câu chuyện ly kỳ về đối đầu chính trị.

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1923 khi Vickers, công ty chế tạo khinh khí cầu giàu kinh nghiệm nhất ở Anh, đề xuất với chính phủ của đảng Bảo thủ sử dụng khinh khí cầu để vận chuyển hành khách đến nhiều vùng đất thuộc đế chế Anh. Chính phủ dự định đặt làm các khinh khí cầu khổng lồ và đương nhiên Vickers nhận trách nhiệm chế tạo chúng.


Trước khi một quyết định được đưa ra, đảng Bảo thủ thất thế và năm 1924, lần đầu tiên Công đảng lên nắm quyền, với lời hứa hẹn quốc hữu hóa. Một sự thành công cho nhà tư bản hùng mạnh như Vickers không phù hợp với kế hoạch của họ. Vì thế chính quyền của Thủ tướng Ramsey McDonald đã ra một quyết định đầy lạ lùng. Họ cho đặt hàng không chỉ một, mà là hai chiếc khinh khí cầu với đặc điểm kỹ thuật giống hệt nhau: R100 của nhà tư bản, và R101, chiếc khinh khí cầu do nhà nước tự làm. Một chiếc do Vickers chế tạo, chiếc kia là do Bộ Không quân. Sau đó chính phủ sẽ quyết định chiếc nào là tốt hơn.


Chiếc R100.


Chuyên gia trưởng của đội tư bản là Nevil Shute Norway - hiện nay được biết đến nhiều hơn là nhà văn Nevil Shute. Nhiều năm sau tấn thảm kịch, ông đã viết: “Sự tranh cãi giữa chủ nghĩa tư bản và doanh nghiệp nhà nước đã diễn ra theo nhiều cách, nhưng dự án khinh khí cầu ở Anh là kỳ lạ nhất”.


Mất vài năm của thập niên 1920, người ta thiết kế hai chiếc khinh khí cầu và chúng dần được định hình. Chiếc R100 được chế tạo trong một nhà chứa máy bay dột nát từ Chiến tranh thế giới thứ nhất ở Howden, Yorkshire. Công nhân địa phương được tuyển dụng để làm phần lớn các công việc bằng tay. Chính điều đó đã khiến đội tư bản gặp vấn đề mà họ không ngờ tới. Theo Shute, phụ nữ địa phương “dơ dáy cả trong ăn mặc lẫn thói quen và rất tục tĩu. Quan hệ tình dục lăng nhăng diễn ra khắp mọi nơi”.


Trong khi đó, Bộ trưởng Không quân Lord Thomson chịu trách nhiệm sản xuất chiếc R101 ở Cardington, gần Belford. Vấn đề với họ là về mặt kỹ thuật. Nhưng mỗi khi trục trặc xuất hiện, người ta lại tìm cách ỉm đi.


Bộ trưởng Không quân Lord Thomson.


Đáng ngạc nhiên là vị Bộ trưởng Không quân đã quyết định rằng động cơ chạy xăng không an toàn và vì thế lựa chọn động cơ diesel cho chiếc khí cầu của mình. Đội thiết kế Cardington phản đối quyết định đó nhưng đã bị phớt lờ. Vì thế những chiếc động cơ diesel 8 xy lanh - vốn được thiết kế dành cho các đầu máy xe lửa được đặt hàng. Chúng nặng gấp đôi động cơ xăng của R100, rung lắc dữ dội và hiệu suất hoạt động thấp hơn nhiều.


Khâu kiểm tra khối lượng của tất cả những thứ được lắp vào chiếc R1010 bị làm ẩu nên phải đến khi khinh khí cầu được thổi phồng và thử nghiệm lần đầu tiên, họ mới phát hiện ra nó còn thiếu một nửa sức đẩy cần thiết nữa. Đội Cardington ngay lập tức bỏ ra tất cả những gì có thể, những thứ mà họ đã rất tự tin lắp vào.


Hậu quả thật là thảm họa. R101 bị mất cân bằng. Các bao khí hydro lăn xung quanh chiếc khí cầu. Nó chồm lên khi bay. Vỏ ngoài thì bị rách hết lần này đến lần khác và phải được vá lại. Sườn khí cầu có dáng thuôn rất đẹp nhưng thường bị chòng chành. Các van khí thì bị rò rỉ liên tục. Cánh quạt bị hỏng khi quay ngược, và họ phải lắp một chiếc động cơ nặng quay về phía sau để có thể xoay khi vào bến.


Đội Vickers cũng gặp nhiều vấn đề như vậy và đã khắc phục được. Họ được lãnh đạo bởi nhà thiết kế Barnes Walles, người sau này đã nổi danh với loại bom phá đập nước trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng chính sự kình địch giữa Walles với nhà thiết kế trưởng Victor Richmond của R101 mà suốt 5 năm chế tạo, không ai trong số hai người tới thăm nhau hay gửi thư cho nhau bàn về các vấn đề chế tạo.


R101 được hoàn thành trước. Các vị khách VIP được mời tới Cardington để chứng kiến chiếc khinh khí cầu đu đưa xung quanh chiếc tháp cột. Dài 200 yard (182 mét) và chứa 5 triệu mét khối hydro, nó là chiếc khinh khí cầu lớn nhất thế giới.


Chiếc R100 không được đẹp như người anh em của mình, nhưng nó có một lợi thế: nó có thể bay an toàn. Ngày càng liều lĩnh, đội Cardington cắt chiếc khí cầu của mình ra làm đôi, nhồi vào một thùng khí ga nữa ở giữa, ghép lại và cột nó vào tháp. Chỉ trong vài phút, toàn bộ mặt ngoài của nó nhăn nhúm trong gió, và một vết rách dài xuất hiện ở thân khí cầu.


Công chúng chưa bao giờ biết về vết rách này. Và vào ngày 28/6/1930, chiếc R101 bay tới Hendon để tham dự một triển lãm hàng không. Đám đông kinh ngạc khi chiếc khí cầu bất ngờ chúc mũi xuống và bổ nhào trước khi đột ngột bay lên. Họ còn ngạc nhiên hơn khi chiếc khí cầu, vốn đã bay quá thấp, lập lại điều đó và có lúc chỉ còn cách đám đông 100.000 người có 500 feet (150 mét).


Đội Cardington giờ đây trở nên không còn biết sợ là gì nữa. Họ coi đây là cuộc chiến giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, một cuộc chiến mà đối thủ của họ sắp thất bại. Và cuộc thử thách lớn sắp tới gần - R100 phải bay tới Canada và trở về, còn R101 là bay tới Ấn Độ và trở về. Đội Cardington đề nghị hoãn cả hai chuyến bay. Còn đội Howden, thích thú trước những rắc rối của đối thủ, từ chối hoãn chuyến đi của R100.



Việt Anh


Đón đọc kỳ tới: Thất bại được báo trước


Thảm họa thanh tẩy tôn giáo châu Âu - Kỳ 1
Thảm họa thanh tẩy tôn giáo châu Âu - Kỳ 1

Năm 1609 đánh dấu một trong những cuộc trục xuất tôn giáo lớn nhất châu Âu khi khoảng 300.000 người Morisco - những tín đồ Hồi giáo cải sang đạo Cơ đốc - bị chính quyền đuổi khỏi Tây Ban Nha nhằm tạo ra một nhà nước thuần nhất. Đó cũng là một trong những chương đen tối nhất của lịch sử bán đảo Iberia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN