Thảm kịch nổ tàu ngầm hạt nhân khủng khiếp nhất của hải quân Mỹ - Kỳ 2

Lò phản ứng hạt nhân của Thresher cung cấp cho nó phạm vi hoạt động không giới hạn. Thân tàu bằng thép HY-80 giúp nó lặn xuống độ sâu 400 mét – mức chưa từng có đối với một tàu ngầm của Mỹ.

CHUYẾN ĐI ĐỊNH MỆNH

Con tàu Thresher trải qua một "chuyến đi nhanh": Trong khi neo đậu tại một cầu tàu, nó đã được niêm phong cùng với tất cả các thiết bị có thể được thử nghiệm. Ngay cả chân vịt của Thresher cũng đã được thử nghiệm trong khi cáp giữ chặt tàu ngầm vào cầu tàu. Nhiều cuộc thử nghiệm khác đã được tiến hành, cũng như các cuộc diễn tập khẩn cấp. Cuối cùng, các thiết bị dẫn đường, thực phẩm, đồ dùng cá nhân, chăn nệm… đã được đưa lên tàu khi Thresher chuẩn bị cho các cuộc thử nghiệm trên biển sau cuộc đại tu.

Chú thích ảnh
Tàu USS Thresher là chiếc đầu tiên của một thế hệ tàu ngầm tấn công mới, có thể di chuyển xa hơn và lặn sâu hơn bất cứ chiếc tàu nào trước đó. Ảnh: Public Domain

Vào lúc 3h45 ngày 9/4/1963, các kỹ sư của Thresher bắt đầu đếm ngược 4 giờ cần thiết để khởi động lò phản ứng. 7h30, phòng động cơ báo cáo rằng công suất đã sẵn sàng.

Thresher lên đường, chở theo 129 người, gồm: 12 sĩ quan và 96 lính thủy đánh bộ của thủy thủ đoàn tàu ngầm; một sĩ quan tham mưu Lực lượng tàu ngầm; 3 sĩ quan và 13 nhân viên dân sự của xưởng đóng tàu Portsmouth; một chuyên gia từ Phòng thí nghiệm vũ khí hải quân; và 3 đại diện dân sự của nhà máy. Bốn thành viên thủy thủ đoàn của Thresher vẫn ở lại trên bờ vì nhiều lý do khác nhau.

Chiếc tàu ngầm di chuyển về phía nam từ xưởng đóng tàu và hướng ra ngoài khơi Odiorenes Point. Vào lúc 9h49, Thresher gặp tàu cứu hộ tàu ngầm USS Skylark (ASR-20), người bạn đồng hành trong các cuộc thử nghiệm của nó.

Chiếc Skylark dài trên 60 mét chở thợ lặn và thiết bị chuyên dụng để có thể neo đậu trên một tàu ngầm gặp nạn và thực hiện cứu hộ bằng khoang cứu hộ hạ xuống bằng cáp. Được phát triển vào cuối những năm 1920, khoang cứu hộ chỉ được sử dụng một lần trong thực tế - vào năm 1939, để cứu 33 người khỏi tàu ngầm USS Squalus (SS-192) gặp nạn; 26 thủy thủ khác đã tử vong trong thảm kịch đó. Squalus đã chìm ở độ sâu 240 feet (73 mét). Khoang cứu hộ có khả năng chịu độ sâu định mức là 850 feet (260 mét).

Mặc dù Skylark sẽ đi cùng Thresher, nhưng sĩ quan chỉ huy tàu cứu hộ không có thông tin về khả năng của tàu ngầm, chẳng hạn như độ sâu và tốc độ của tàu. Một hệ thống "điện thoại dưới nước" viết tắt là UQC (Underwater Quick Communication) là phương tiện liên lạc với tàu ngầm đang lặn. UQC sóng âm thanh (acoustic signals) để truyền tin nhắn hoặc mệnh lệnh giữa tàu ngầm và tàu nổi hoặc giữa các tàu ngầm với nhau

Thresher lặn nông để thử thiết bị và liên lạc với Skylark qua UQC. Trở lại mặt nước vào chiều ngày 9/4/1963, thuyền trưởng Harvey chỉ đạo Skylark gặp tàu ngầm cách Cape Cod khoảng 320km về phía đông để thử nghiệm Thresher ở vùng nước sâu. Vào khoảng 15 giờ cùng ngày, Thresher lại chìm xuống dưới sóng và lao nhanh về phía vùng nước sâu hơn.

Vào lúc 6 giờ 35 phút ngày 10/4, Thresher tiến đến “độ sâu kính tiềm vọng” (periscope depth- chỉ độ sâu mà tại đó tàu ngầm có thể sử dụng kính tiềm vọng để quan sát mặt nước trong khi vẫn giữ phần lớn thân tàu chìm dưới nước, thông thường là 5-10 mét) cách Skylark khoảng 16km. Chỉ hơn một giờ sau, Harvey thông báo với Skylark rằng ông đang đưa Thresher đến "độ sâu thử nghiệm" – tức độ sâu hoạt động tối đa của nó, thường được báo cáo là 1.300 feet (396 mét). (Trước đó, Thresher đã có khoảng 40 lần xuống tới độ sâu thử nghiệm)

07h07 ngày 10/4 -Thresher báo cáo với Skylark qua UQC rằng nó đang bắt đầu lặn thử nghiệm. 5 phút sau, Harvey báo cáo đang ở độ sâu 400 feet (120 mét0 và đang kiểm tra rò rỉ; 07h54 - Thresher báo với tàu cứu hộ rằng các tham chiếu về độ sâu trong tương lai sẽ được thực hiện theo độ sâu thử nghiệm; 08h09—Thresher báo cáo rằng nó đang ở một nửa độ sâu thử nghiệm; 08h35—Thresher liên lạc ở độ sâu "âm 300 feet (91 mét)" – tức là vượt quá độ sâu thử nghiệm 91 mét; 09h12—Hai tàu thực hiện kiểm tra thường lệ.

Nhật ký viết tay của tàu cứu hộ Skylark ghi lại rằng lúc 9h12 đã thực hiện kiểm tra qua UQC "thỏa đáng". Sau đó, Thresher báo cáo: "Đã định vị góc hướng lên. . . . Đang cố gắng thổi". Thời gian chính xác của tin nhắn cuối cùng đó không được ghi lại. Dòng báo cáo đó có nghĩa là tàu ngầm đang ở tư thế mũi tàu nâng cao hơn phần đuôi để chuẩn bị trồi lên. “Đang cố gắng thổi” là chỉ việc cố gắng thổi khí nén vào các két dằn để đầy nước ra ngoài, giúp tàu tăng độ nổi và trồi lên mặt nước. Đây là một quy trình khẩn cấp được thực hiện khi tàu ngầm gặp vấn đề và cần nhanh chóng nổi lên.

Nhưng một số thành viên của Skylark nhớ tin nhắn theo cách khác: "Gặp sự cố nhỏ… Có góc dương… Đang cố gắng thổi". Và, "Gặp khó khăn nhỏ… Có góc hướng lên dương… Đang cố gắng thổi… Sẽ thông báo cho các bạn".

Lúc 9h14, Skylark yêu cầu Thresher cung cấp hướng đi và phương hướng của tàu. Không có phản hồi. Sau đó, Skylark hỏi: "Các anh có kiểm soát được không?" Không có phản hồi. Câu hỏi được lặp lại nhiều lần.

Chú thích ảnh
Các mảnh xác tàu Thresher ở đáy đại dương. Ảnh: Public Domain

Không có thêm thông tin nào từ tàu ngầm Thresher cho đến 9h17, khi có một thông điệp không rõ tiếng, kết thúc bằng cụm từ "kiểm tra độ sâu". Vài giây sau, thuyền trưởng của Skylark, Trung tá Stanley W. Hecker, nghe thấy âm thanh giống như "một con tàu vỡ tung ra… như một khoang tàu sụp đổ".

Xem tiếp Kỳ 3: Thủ phạm bí ẩn

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Naval History)
Thảm kịch nổ tàu ngầm hạt nhân khủng khiếp nhất của hải quân Mỹ - Kỳ cuối
Thảm kịch nổ tàu ngầm hạt nhân khủng khiếp nhất của hải quân Mỹ - Kỳ cuối

Một "sự cố nhỏ" - theo tín hiệu phát đi từ tàu ngầm USS Thresher - đã dẫn đến thảm kịch khủng khiếp khiến tàu nổ tung, cướp đi mạng sống của 129 thủy thủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN