Trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội chiều 22/8, ông Srettha Thavisin đã giành chiến thắng và trở thành Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan. Ông Srettha của đảng Pheu Thai đã giành được 482 phiếu ủng hộ, 165 phiếu chống và 81 phiếu trắng, vượt quá bán trong tổng số 747 ghế nghị sĩ của lưỡng viện.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) đưa tin ông Srettha Thavisin sẽ là người chèo lái nỗ lực của đảng Pheu Thai nhằm kích thích nền kinh tế và thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng tại Thái Lan.
Vài ngày trước cuộc bỏ phiếu, ông Srettha Thavisin đã đăng lên mạng xã hội X, trước đây gọi là Twitter, nội dung: “Tôi muốn nhấn mạnh lại. Kẻ thù của ta là nghèo đói của người dân và bất bình đẳng. Mục tiêu của tôi là sinh kế tốt hơn cho tất cả người dân Thái Lan”.
Vào tháng 11/2022, ông Srettha tuyên bố gia nhập Pheu Thai. Đây là bước đi chính thức đầu tiên của ông vào chính trường.
Trùm bất động sản với khối tài sản "khủng"
Ông Srettha sinh năm 1963 và sở hữu chiều cao ấn tượng 1,91 mét. Ông có bằng cử nhân kỹ thuật dân dụng của Đại học Chulalongkorn ở Bangkok và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) của trường đại học Claremont Graduate (Mỹ).
Ông khởi đầu sự nghiệp với vị trí trợ lý giám đốc tại công ty đa quốc gia Procter & Gamble ở Thái Lan sau đó gia nhập Sansiri - doanh nghiệp phát triển bất động sản của gia đình ông.
Vào đầu năm nay, ông Srettha từ chức CEO và chủ tịch Sansiri. Thời điểm đó, Sansiri là một trong những tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Thái Lan với tài sản trị giá hơn 100 tỷ baht (2,9 tỷ USD).
Ông cũng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình, được cho là trị giá hơn 1,2 tỷ baht (35 triệu USD), trong Sansiri cho con gái. Ông Srettha đã đưa Sansiri đạt mức lợi nhuận kỷ lục hơn 4 tỷ baht (117 triệu USD) vào năm 2022.
Kênh Aljazeera cho biết ông Srettha rất được yêu mến trong cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan, với khoảng 66% trong số 100 CEO được báo Krungthep Turakij khảo sát phản hồi rằng ông là lựa chọn ưa thích của họ cho vị trí thủ tướng.
Srettha từng chia sẻ với truyền thông điều khiến ông dấn thân vào chính trường: “Tôi cảm thấy buồn bởi những gì đã thấy. Vì sự chênh lệch xã hội đối với giáo dục, chăm sóc sức khỏe hoặc những thứ cơ bản như thực phẩm trên bàn ăn, đó không phải là điều nên xảy ra tại một quốc gia có tiềm năng to lớn như Thái Lan”.
Công khai quan điểm chính trị
Trước khi bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình, ông Srettha là một nhà phê bình nổi tiếng đối với chính phủ sắp mãn nhiệm do ông Prayuth Chan-ocha đứng đầu. Ông Srettha đã viết nhiều bài đăng trên mạng cáo buộc ông Prayuth Chan-ocha và nội các không xử lý hiệu quả đại dịch COVID-19.
Trong một cuộc phỏng vấn với tạo chí Forbes Thái Lan vào năm ngoái, ông Srettha bày tỏ quan điểm rằng các doanh nghiệp lớn và tỷ phú nên đóng góp nhiều hơn cho xã hội để giảm bất bình đẳng. Ông đồng thời mong muốn truyền cảm hứng cho người trẻ tuổi để giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của Thái Lan với các nước khác.
Ông Srettha sinh ra trong một gia đình giàu có, do đó đã có nhiều hoài nghi về khả năng kết nối của ông với các cử tri chính của đảng Pheu Thai ở vùng nông thôn phía Bắc Thái Lan. Nhưng sau khi gia nhập Pheu Thai, ông Srettha đã tham gia vận động tại tại nhiều điểm dừng chân với trọng tâm chính nhắm vào tầng lớp lao động, bao gồm cư dân thuộc cộng đồng ổ chuột lớn nhất Bangkok và người nông dân nông thôn.
Ông trở thành cố vấn cho nhóm kinh tế của Pheu Thai và giúp thúc đẩy các chính sách của đảng, bao gồm kế hoạch tặng 10.000 baht (290 USD) tiền kỹ thuật số cho tất cả công dân Thái Lan từ 16 tuổi trở lên, điều này đã tạo ra tiếng vang lớn.
Vào tháng 4, ông chia sẻ với Bloomberg rằng ưu tiên trong 100 ngày đầu cầm quyền sẽ là giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt gia tăng, chấm dứt nghĩa vụ quân sự bắt buộc, đảm bảo bình đẳng hôn nhân cho các cặp đồng giới và soạn thảo một hiến pháp mới đại diện cho ý nguyện của người dân.