Nhưng các sự kiện như sự sụp đổ của Bức tường Berlin vào tháng 11/1989, sau đó là sự hợp nhất nước Đức vào tháng 10/1990 và sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết tháng 12/1991, tất cả đều đã tác động mạnh mẽ đến mối quan hệ tình báo Mỹ - Đức. Chỉ trong một đêm, mối quan hệ vốn rất gần gũi giữa hai cơ quan tình báo được hình thành trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã tan rã.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama. |
Kể từ đó, các cơ quan tình báo Mỹ đã hạn chế việc chia sẻ thông tin cho BND và cắt bỏ phần lớn sự hỗ trợ tài chính mà trước kia họ dành cho tình báo Đức. Và trong giới chính trị Mỹ tại Washington, một nước Đức thống nhất bây giờ không chỉ là đối thủ đối tranh giành địa vị của Mỹ tại châu Âu mà còn là một địch thủ trong thị trường thương mại toàn cầu.
Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi trong những năm đầu sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, hoạt động tình báo của CIA tại Đức tăng lên đáng kể, với việc CIA chuyển dần trọng tâm sang theo dõi các mối quan hệ ngoại giao, tài chính và thương mại của Đức với các quốc gia như Lybia, Syria, Iraq và Iran. Tuy nhiên, các hoạt động do thám của CIA gia tăng ở Đức đã không qua mắt được BND, cơ quan này vẫn để mắt đến các nhân viên CIA đang hoạt động tại Đức, và báo cáo cho các cơ quan thuộc chính phủ Đức về hoạt động của lực lượng CIA.
Sau đó, có một sự kiện đã làm thay đổi cách nhìn của người Đức về hoạt động do thám của CIA bên trong quốc gia họ. Đó là vào tháng 1/1995, khi chính phủ Pháp công khai tuyên bố họ không muốn có sự hiện diện của Chỉ huy trưởng của CIA là Richard L tại Paris sau khi “Dick” Holm - cấp phó của Richard - và 3 nhân viên CIA khác, trong đó có 1 nữ nhân viên bị phát hiện khi đang tìm cách thu thập dữ liệu kinh tế quan trọng từ một nhân viên thuộc chính phủ Pháp. Động thái trên của Pháp đã thuyết phục một số quan chức tình báo và chính phủ cấp cao của Đức rằng, có lẽ đây là thời điểm để đưa ra một luật mới hạn chế các hoạt động do thám kinh tế tương tự của CIA tại Đức.
Theo một cựu quan chức CIA, vào cuối năm 1996, BND đã bắt giữ một nhân viên CIA làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Berlin khi anh này đang lén lút thu thập thông tin bí mật về các trang thiết bị mà Đức bán cho ngành công nghiệp hạt nhân Iran. Thông tin tình báo trên đến từ Klaus Dieter von Horn, một quan chức cấp cao của Bộ Kinh tế Đức, người đứng đầu Cơ quan chịu trách nhiệm đàm phán thương mại với Iran. Ngay sau đó, BND đã báo cáo vấn đề trên cho chính phủ Đức và Berlin đã yêu cầu CIA phải trục xuất nhân viên trên vì “các hoạt động không đúng với nhiệm vụ ngoại giao của nhân viên này”.
Cuộc tranh cãi trên kết thúc vào tháng 3/1997, khi Bộ Ngoại giao Đức đăng tải trên báo Đức rằng họ đã tuyên bố nhân viên CIA trên không được chào đón tại nước này và đề nghị nhân viên này rời khỏi Đức. Các nỗ lực của chỉ huy trưởng CIA tại Berlin thời điểm đó nhằm thuyết phục chính phủ Đức rút lại lệnh trục xuất đã không thành công và kết quả nhân viên CIA trên đã phải lên máy bay về Washington.
Tưởng rằng CIA sẽ học được bài học từ vụ việc trên, nhưng mọi người đã nhầm. Hai năm sau đó, vào tháng 9/1999, CIA đã phải triệu hồi 3 nhân viên mật làm việc tại Tổng Lãnh sự Mỹ tại Munich vì đã bị BND bắt giữ khi các nhân viên này đang tìm cách mua chuộc một quan chức chính phủ khác của Đức để tiếp cận thông tin kinh tế nhạy cảm.
Theo một cựu nhân viên an ninh Đức, 2 trong 3 nhân viên trên của CIA đã hoạt động dưới vỏ bọc của một công ty phi chính phủ. Họ đã đóng giả là một cặp vợ chồng thương gia Mỹ tìm hiểu thông tin về các công ty công nghệ cao của Đức ở trong và xung quanh Munich.
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Đức yêu cầu chỉ huy trưởng của CIA tại Berlin là David Edgar rời khỏi nước này nhằm gửi một thông điệp cứng rắn tới Washington rằng Berlin không thể chấp nhận cách cư xử như vậy từ CIA. Nhưng Bộ Ngoại giao Đức không đạt được ngay ý muốn của họ, và Edgar được phép làm việc tại Berlin cho đến hết nhiệm kỳ của mình vào năm 2001.
Một số tiết lộ gần đây về các hoạt động do thám của CIA đã khiến nhiều người Đức bực bội. Tại sao hàng loạt các hoạt động bí mật mang tính nhạy cảm cao dường như vẫn không giảm bớt theo bất cứ nghĩa nào? mặc dù trong vài tháng gần đây, Tổng thống Mỹ Obama đã nhắc lại lời cam kết hạn chế các hoạt động do thám trên. Và có lẽ điều quan trọng hơn là, các tiết lộ gần đây đã cho thấy các cơ quan tình báo của Mỹ vẫn đang tiến hành hoạt động gián điệp tại Đức. Các hoạt động do thám đó tại sao vẫn được cho phép tại quốc gia này? Phải chăng Quốc hội Đức đang tìm cách “ỉm” đi những tiết lộ của Snowden vốn đang là nguyên nhân gây ra tổn hại không thể bù đắp được tới mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và tình báo của Mỹ với Đức?
Công Thuận