TISA - Công cụ đắc lực của các tập đoàn xuyên quốc gia

Thỏa thuận Thương mại Dịch vụ (TISA) đang được hơn 50 chính phủ đàm phán bí mật, vượt qua tất cả những gì mà người ta từng biết cho tới nay về việc tạo nguồn lợi không giới hạn cho các tập đoàn xuyên quốc gia thông qua các hiệp định quốc tế và đi ngược lại quyền lợi của công chúng.

Trích từ tiết lộ trực tiếp của Wikileaks, trang điện tử của nhật báo “La Jornada” (Mexico) mới đây đã nhận định khái niệm “dịch vụ” được nêu trong văn bản dự thảo bao gồm từ nước, thực phẩm, cho tới y tế, giáo dục, nghiên cứu, truyền thông, bưu chính, vận tải, viễn thông, thương mại điện tử, bán buôn và bán lẻ, dịch vụ tài chính và nhiều hoạt động kinh tế khác, hay cả cái được gọi là “những dịch vụ môi trường” liên quan tới tài nguyên rừng, nguồn nước và các tài nguyên thiên nhiên khác. Thậm chí cả những người di cư cũng được đưa vào hiệp định này theo dạng “những người cung cấp dịch vụ”.

TISA đang được đàm phán bí mật.


Chỉ riêng việc lĩnh vực dịch vụ, hiện chiếm tỷ trọng người lao động lớn nhất trong các nền kinh tế trung bình và phát triển, đã có thể thấy TISA sẽ có tác động to lớn tới các quyền về lao động và công đoàn. Tuy nhiên, bất chấp tác động to lớn của thỏa thuận (một khi đạt được) tới đời sống của quốc gia tham gia đàm phán, và thậm chí của cả những quốc gia khác (do khối khởi xướng muốn áp đặt khung cơ chế này lên những nước còn lại), chi tiết về nội dung mà các bên tham gia thảo luận từ năm 2012 vẫn bị giấu kín.

Có thể hiểu TISA là miếng ghép hoàn hảo cho các hiệp định thương mại đang được thương lượng giữa các khối quốc gia, với Mỹ trong vai trò tiên phong, nhằm củng cố thị trường của các tập đoàn doanh nghiệp và khối thương mại - tài chính - chính trị của họ. Trong số này đáng chú ý nhất là Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu (TTIP) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Nhưng TISA có độ bao phủ rộng hơn cả hai hiệp định trên, với sự tham dự của 50 quốc gia, trong đó có các nền kinh tế then chốt của thế giới như Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Australia, Nhật Bản, một số quốc gia châu Á và vài nước Mỹ Latinh như Colombia, Costa Rica, Mexico, Panama, Peru, Paraguay và Uruguay. Các nước tham gia đàm phán hiệp định chiếm tới % thương mại và dịch vụ toàn cầu.

Đáng chú ý là toàn bộ nhóm BRICS (Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) bị gạt ra khỏi thỏa thuận này, mặc dù Bắc Kinh từng đề xuất tham gia TISA nhưng không thành. Từ đó có thể thấy rõ ý đồ cạnh tranh kinh tế với khối các nền kinh tế mới nổi này và các liên kết kinh tế khác tại Thái Bình Dương chịu ảnh hưởng của Trung Quốc.

Có thể hiểu TISA là miếng ghép hoàn hảo cho các hiệp định thương mại đang được thương lượng giữa các khối quốc gia.

Mỹ và các nước khởi xướng TISA - đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn tài chính, các chuỗi siêu thị và các công ty xuyên quốc gia - cũng tự gọi mình là “những người bạn tốt điển hình của các dịch vụ”, nhằm đề cập một cách mỉa mai tới nhóm thương lượng về tự do hóa dịch vụ trong khuôn khổ WTO, hiện bị coi là bế tắc.

Điểm khác biệt của TISA với các thỏa thuận của WTO, ngoài phần về nội dung, là việc nó không phải thông qua một không gian bàn thảo chiếu lệ nào khác ngoài nhóm các nước tự chọn trước. Văn bản này thậm chí còn được dự tính giữ bí mật 5 năm sau khi các bên đạt đồng thuận và Quốc hội các nước thành viên - đúng hơn là chỉ tại các nước thành viên mà luật pháp buộc phải thông qua thỏa thuận quốc tế này tại quốc hội trước khi ban hành - sẽ chỉ được quyền chấp thuận hoặc phủ quyết thỏa thuận theo diện cả gói, như một chiếc hộp đen kín mít. Điều trớ trêu là, bản thân TISA lại yêu cầu các nhà nước thành viên phải công khai minh bạch mua sắm công, dịch vụ và quy định của mình, và trước khi chỉnh sửa và áp dụng các điều khoản mới, phải tham vấn các doanh nghiệp.

Rõ ràng TISA sẽ tạo thuận lợi cho việc tư hữu hóa tràn lan các dịch vụ công cộng, và trên thực tế sẽ đóng vai trò phá hủy nhiều mảng dịch vụ như y tế, giáo dục, cung cấp nước sạch, vệ sinh, điện, vì đây không thể coi thuần túy là những “thị trường” mà là nhu cầu cơ bản của xã hội và phải được đảm bảo cung cấp bất chấp điều kiện địa lý và kinh tế của những cộng đồng cần tới chúng.

Nhưng ngoài ra, TISA cũng đang nhắm tới việc phi điều tiết hoàn toàn đối với các dịch vụ tư nhân. Ví dụ, Walmart - tập đoàn bán lẻ lớn nhất toàn cầu và doanh nghiệp sử dụng nhiều nhân công nhất tại Bắc Mỹ - tham gia tích cực vào các cuộc thương lượng TISA thông qua “liên minh các ngành dịch vụ” và hy vọng thỏa thuận này sẽ “giải phóng mình khỏi các quy định hành pháp về địa phương hóa và quy mô các cửa hàng siêu thị”, cũng như các quy chế về bán đồ uống có cồn, thuốc lá...

Những yếu tố mới và then chốt khác của TISA là cái được gọi là “duy trì hiện trạng” và “điều khoản chốt chặn”, theo đó, các nước thuộc TISA không được quyền điều chỉnh hay ban hành mới bất cứ luật lệ, quy định hay thay đổi chính sách nào trong tương lai có thể ảnh hưởng tới những điều khoản đã được thỏa thuận. Ngoài ra, một khi đã kết thành một khối, các nước trong TISA cũng sẽ tìm cách áp đặt luật chơi này lên các quốc gia khác bằng quy định hạn chế trao đổi dịch vụ với các nước không chấp thuận quy định của TISA.

Có quá nhiều điểm gây tranh cãi trong hiệp định này, khiến các lực lượng tiến bộ, công đoàn và các tổ chức bảo vệ người lao động, môi trường, xã hội cần cùng nhau lên tiếng phản đối, như Tổng công đoàn lao động PIT-CNT của Uruguay (một trong những nước đang tham gia đàm phán TISA) đã từng làm trong cuộc tổng đình công hồi đầu tháng 8 này: danh sách yêu cầu của họ gồm “sự phản đối hoàn toàn và tuyệt đối đối với TISA”.

Lê Hà
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN