Tu-160 - oanh tạc cơ khiến người Mỹ căng thẳng

Giới quân sự phương Tây thực sự choáng váng khi nghe Trung tướng Igor Khvorov, chỉ huy lực lượng máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Nga tuyên bố vào tháng 4/2006, những chiếc oanh tạc cơ Tu-160 đã bay vào vùng trời của Mỹ từ Bắc Băng Dương tới Canađa mà không bị phát hiện.


Hơn một năm sau, Mátxcơva quyết định từ 0 giờ ngày 17/8/2007, Nga sẽ nối lại những chuyến bay tuần tra thường trực chiến lược. Một lần nữa Tu-160 lại nổi lên thành đối tượng điều tra, nghiên cứu quan trọng của khối NATO nói chung và Mỹ nói riêng. Cũng từ đó, các nước phương Tây đã cử hàng trăm lượt máy bay tiêm kích đánh chặn làm nhiệm vụ theo dõi, giám sát hơn 90 lần cất cánh hoạt động của Tu-160 (tính tới nay).


Máy bay TU-160 tại sân bay ở thành phố Engels, vùng Saratov, Nga.


Gần đây nhất, vào trung tuần tháng 9 vừa qua, khi Mátxcơva phái 2 chiếc Tu-160 tới Vênêxuêla thực hiện sứ mệnh tập luyện chung giữa hai nước. Không có ngoại lệ, trên đường tới Vênêxuêla, hai chiếc Tu-160 đã được "hộ tống" bởi máy bay chiến đấu F-15 của NATO. Người Mỹ cũng cho biết họ sẽ theo dõi chặt chẽ những hoạt động của Tu-160 trong thời gian ở khu vực Mỹ Latinh. Ngoại trưởng Mỹ, Condoleezza Rice, khẳng định, Oasinhtơn không thích thú gì với những chuyến bay của máy bay ném bom chiến lược Nga gần biên giới nước Mỹ và cáo buộc Mátxcơva đang "chơi trò chơi nguy hiểm".


Vậy Tu-160 có những tính năng gì khiến phương Tây phải dành cho nó sự quan tâm chú ý đặc biệt?


Máy bay B-1B Lancer của Mỹ.


Gian nan quá trình phát triển lực lượng Tu-160


Trở lại thập niên 60 của thế kỷ trước, mặc dù đã nắm trong tay một lực lượng tên lửa khá mạnh, nhưng so với Mỹ, Liên Xô tỏ ra yếu thế rõ ràng ở lĩnh vực máy bay ném bom chiến lược. Trong khi đó, Mỹ tăng cường đầu tư phát triển lực lượng máy bay ném bom chiến lược có khả năng đánh đòn phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân.


Hai năm sau khi Lầu Năm góc soạn thảo kế hoạch thiết kế máy bay B-1, ngày 28/11/1967, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ra chỉ thị số N 1098-378 về việc cần thiết phải thiết kế máy bay tấn công chiến lược xuyên lục địa. Loại máy bay này phải đạt tốc độ từ 3.200 đến 3.500 km/giờ với trần bay 18.000 m và tầm bay khoảng 11.000 đến 13.000 km. Máy bay phải mang được 4 tên lửa hành trình X-45, 24 tên lửa X-2000 cũng như các loại bom khác với tổng trọng lượng vũ khí là 45 tấn.


Sau đó mọi người thấy rằng việc nghiên cứu, chế tạo một loại máy bay như vậy quá khó và tốn kém, nên đã hạ thấp các tiêu chuẩn của nó. Vượt qua những người đến trước: Nhà máy chế tạo máy bay Kulon ở Mátxcơva và Nhà máy chế tạo máy bay thử nghiệm ở thành phố Zukov, năm 1973, "kẻ đến sau" Tupolev đã giành được quyền phát triển loại máy bay mới này dựa trên cơ sở bản thiết kế Myasishchev M-18.


Tổng thống Nga V. Putin trên khoang lái của một chiếc TU-160.


Dưới sự giám sát của công trình sư V.N. Binznyuk, dự án chế tạo Tu-160 được nhanh chóng triển khai. Ngày 19/12/1981, Tu-160 thực hiện chuyến bay đầu tiên và tới năm 1984 thì bắt đầu được phép sản xuất tại tổ hợp hàng không Kazan. Năm 1985, Liên Xô quyết định cho sản xuất hàng loạt khoảng 100 chiếc Tu-160, nhưng rút cục chỉ có 30 chiếc ra đời trước khi dây chuyền sản xuất nhận lệnh đóng cửa vào năm 1992. Những chiếc Tu-160 đầu tiên được biên chế vào trung đoàn không quân hạng nặng 184 tại Pryluke, Ucraina vào tháng 5/1987, nhưng phải hai năm sau nó mới được giới thiệu trước công chúng. Trong những năm 1989-1990, Tu-160 đã lập ra 44 kỷ lục thế giới về tốc độ đối với máy bay ở hạng trọng lượng của nó.

 

Vài thông số kỹ thuật của Tu-160

- Đội bay: 4 người (phi công, phi công phụ, người cắt bom, người điều hành hệ thống phòng thủ)

- Chiều dài: 54,1 m.

- Chiều cao: 13,1 m.

- Sải cánh tối thiểu: 35,6 m.

- Sải cánh tối đa: 55,7 m.

- Diện tích bề mặt cánh: 400 m².

- Trọng lượng rỗng: 148 tấn.

- Trọng lượng tối đa khi cất cánh: 275 tấn.

- Tốc độ cất cánh: 270 km/h.

- Tốc độ hạ cánh: 270 km/h

- Tốc độ tăng độ cao: 60-70 m/giây.

Sau khi Liên bang Xô viết tan rã, 19 chiếc Tu-160 ở trung đoàn 184 trở thành tài sản của Ucraina, buộc Nga phải thành lập trung đoàn bay chiến lược 121 đóng ở sân bay B.G. Engels (Saratov) và đến năm 1994, đơn vị này nhận được 6 chiếc Tu-160. Năm 1998, Ucraina bắt đầu phá huỷ Tu-160 theo một thỏa thuận kí với Mỹ. Sau đó một năm, Nga và Ucraina đã đạt được thỏa thuận về việc Ucraina trả lại cho Nga 8 chiếc Tu-160 để đổi lấy việc Mátxcơva giảm nợ cho Kiép.


Sau sự kiện này, phía Ucraina chỉ còn 1 chiếc Tu-160 nhưng đã bị hư hỏng và được trung bày tại Bảo tàng Không quân Poltav. Trung đoàn 121 khi đó có tổng cộng 14 chiếc Tu-160, tới năm 2000 thì được trang bị thêm một chiếc nữa. Năm 2002, Bộ Quốc phòng Nga đã ký với Nhà máy sản xuất máy bay Gorbunov để nâng cấp 15 chiếc Tu-160. Lực lượng Tu-160 dần lớn mạnh và hiện nay Không quân Nga có tổng cộng 16 chiếc Tu-160, dự kiến sẽ nâng con số này lên 30 vào năm 2012.

 

2. Những ưu thế vượt trội so với chiếc B-1B Lancer cùng loại của Mỹ

Sức mạnh của Tu-160 được thể hiện trong 2 khoang chứa vũ khí khổng lồ, có thể mang 12 quả tên lửa KH-55 Granat với tầm bắn lên tới 3.000 km, nhiều tên lửa tầm ngắn KH-15 (RKV-15) gắn hoặc không gắn đầu đạn hạt nhân có sức công phá 200 kT và bom nặng 1,5 tấn. Tổng trọng lượng tối đa của hai khoang vũ khí trên Tu-160 lên tới 45 tấn. Loại máy bay ném bom hạng nặng này có khả năng thực hiện các chiến dịch tầm xa vì nó có thể tiếp nhận dầu trên không bằng loại máy bay chuyên dụng do Nga chế tạo IL-78 hay ZMS-2. Tu-160 được thiết kế để giảm khả năng bị ra đa và các hệ thống trinh sát hồng ngoại phát hiện, nhưng nó không phải là một máy bay tàng hình.


Tên lửa KH-55 Granat có thể mang đầu đạn hạt nhân trong khoang của Tu-160.


Tu-160 trông giống nhưng so với chiếc B-1B Lancer cùng loại của Mỹ, nó có nhiều ưu thế vượt trội. Chẳng hạn, tốc độ cao nhất của Tu-160 là 2.220 km/giờ trong khi B-1B chỉ đạt 1.530 km/giờ. Tầm bay chiến đấu của Tu-160 lên tới 14.000 km (với 9 tấn vũ khí ở trên) và 10.500 km (với 40 tấn vũ khí ở trên), còn B-1B chỉ là 5.500 km. Hành trình bay xa nhất của Tu-160 là 17.400 km, còn của B-1B là 12.000 km. Sức đẩy động cơ Tu-160 là 100.000 mã lực, còn B-1B là 55.400 mã lực. Tuy nhiên vẫn phải thấy rằng, trần bay của Tu-160 thấp hơn nhiều so với B-1B (16 km/18 km) và Mỹ hiện giữ ưu thế về số lượng máy bay ném bom chiến lược so với Nga. Chỉ tính riêng hai loại B-1B và Tu-160, Mỹ hiện có 104 chiếc B-1B, còn Nga chỉ có 16 chiếc Tu-160 trong biên chế.

 

Minh Thành (Tổng hợp)


Đón đọc kỳ sau: “Chim mồi”

Chiến hạm Piốt Đại đế - Niềm tự hào của Hải quân Nga
Chiến hạm Piốt Đại đế - Niềm tự hào của Hải quân Nga

Đây là loại tàu chiến đấu mặt nước lớn nhất và mạnh nhất của Hải quân Nga cũng như trên thế giới. Nếu xét về kích cỡ, Piốt Đại đế vượt quá tiêu chuẩn của một tàu tuần dương trang bị tên lửa và chỉ kém tàu sân bay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN