Phi hành gia Buzz Aldrin – người đã cùng Neil Armstrong đặt chân xuống Mặt Trăng năm 1969. Ảnh: NASA |
Đầu những năm 1960, Liên Xô đang nhắm tới vị trí dẫn đầu trong công cuộc thám hiểm vũ trụ. Liên Xô đã phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên (Sputnik) vào năm 1957 và đưa người đầu tiên lên không gian qua chuyến bay của nhà du hành Yuri Gagarin trên tàu Vostok vào ngày 12/4/1961.
Trong một nỗ lực bám đuổi, chỉ 43 ngày sau chuyến bay lịch sử của Gagarin, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã tuyên bố rằng mục tiêu chính của Mỹ là thực hiện một chuyến bay có người lái lên Mặt trăng, trong vòng một thập kỷ. Một cuộc đua vũ trụ mới chính thức bắt đầu giữa hai cường quốc, với kết quả là Washington đã thực hiện được tham vọng của mình vào năm 1969. Nhưng tại sao Liên Xô lại thua cuộc?
Nikita Khrushchev, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ 1953-1964, vốn nổi tiếng là một chính khách khó đoán định, và cách tiếp cận của ông với chương trình Mặt Trăng cũng không ngoại lệ. Trong cuộc gặp với Sergei Korolev- nhà thiết kế tàu vũ trụ và kỹ sư hàng đầu Liên Xô, người đóng vai trò then chốt trong chương trình phóng tàu Sputnik và Vostok - ông Khrushchev cho biết ngân sách dành cho chương trình Mặt Trăng đang cạn dần. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, vào 1954, ông lại nói với Korolev: “Chúng ta sẽ không từ bỏ Mặt Trăng cho người Mỹ. Hãy sử dụng tất cả các nguồn lực mà anh cần!”.
Nhưng thay vì lập một đường dây nóng trực tiếp giữa chính phủ và các nhà khoa học, giới chức Nga lại tung ra hai chương trình gần như đối địch nhau, một nhằm phát triển tên lửa bay gần Mặt trăng và một chuyên về tên lửa đưa tàu vũ trụ đáp xuống Mặt Trăng, lần lượt được lãnh đạo bởi Korolev và Valery Chelomei.
Cách tiếp cận này đã đi đến thất bại. “Mối quan hệ quá phức tạp giữa Korolev và Chelomei đã ảnh hưởng đến mục tiêu chung”, Alexey Leonov, nhà du hành từng làm việc với Korolev cho biết trên tờ Komsomolskaya Pravda vào năm 2010.
Tình hình càng tệ hơn khi những nhân vật chủ chốt của chương trình Mặt trăng bị chẻ ra và luân chuyển, cùng với việc Khrushchev rời quyền lực vào năm 1964 và đặc biệt là sau khi Korolev qua đời năm 1966. “Với giới du hành gia chúng tôi, việc Korolev qua đời gần như chấm dứt tất cả”, ông Leonov nhớ lại và cho hay sau đó, giới chức Liên Xô bắt đầu thờ ơ với chương trình Mặt trăng.
Tên lửa N1 của Nga bị cho là sử dụng công nghệ lạc hậu hơn tên lửa F1 – phóng tàu Apollo 11 của Mỹ lên Mặt Trăng (Ảnh: News.com) |
Về mặt công nghệ, Liên Xô cũng bị Mỹ bỏ cách. Tên lửa Saturn V của Mỹ, phóng tàu Apollo 11 lên vũ trụ vào năm 1969, có thể mang theo 140 tấn trọng tải, trong khi tên lửa N-1 của Liên Xô, một thiết kế của Korolev và những người kế nhiệm ông, chỉ mang theo được 75 tấn. Thêm nữa, tên lửa Mỹ sử dụng khí hydro lỏng, vốn cung cấp nhiều năng lượng hơn dầu hỏa dùng cho N1. Ngoài ra, động cơ tên lửa của Liên Xô sử dụng hệ thống tuần hoàn kín, dẫn đến nguy cơ bị đốt nóng quá mức, trong khi NASA sử dụng hệ thống tuần hoàn mở, đáng tin cậy hơn cho Saturn V. Kết quả là sau khi xây dựng được tên lửa N1 thì cả bốn vụ phóng thử của Liên Xô đều thất bại, các tên lửa đều bị phá hủy khi mới rời bệ.
Ngày 20/7/1969, Neil Armstrong và Buzz Aldrin trở thành những người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng. Kremlin quyết định rằng, lúc này thì chi tiền cho chương trình Mặt Trăng không còn nghĩa lý gì nữa vì Washington đã thắng.
Thất bại trong cuộc đua tới Mặt Trăng, nhưng việc tiết kiệm các nguồn lực cho chương trình này dù vậy đã giúp Liên Xô đạt được cân bằng hạt nhân chiến lược với Mỹ vào năm 1980.