Trong vài thập kỷ gần đây, nước Mỹ đã trải qua nhiều vụ đánh bom kinh hoàng, với những thiệt hại to lớn về người và của. Một trong những vụ đánh bom như thế đã xảy ra tại thành phố Oklahoma vào ngày 19/4/1995 khiến 1 người chết và hơn 500 người bị thương. Người Mỹ đau đớn nhận ra rằng, những kẻ trông giống như hàng xóm của mình lại là người đã thực hiện tội ác khủng khiếp.
Kỳ 1: Bình minh ngày định mệnh
Sáng 19/4/1995 tại thành phố Oklahoma là một buổi sáng mùa xuân tươi đẹp và ngập tràn ánh nắng. Một chiếc xe tải màu vàng của hãng Ryder đang di chuyển chậm trên những con phố trung tâm của Oklahoma. 9 giờ sáng, chiếc xe đi tới khu vực để xe bên ngoài tòa nhà hành chính P. Murrah Alfred, tài xế bước xuống và đi bộ rất đỗi bình thường. Nhưng chỉ vài phút sau đó, lúc 9 giờ 2 phút, một cảnh tượng kinh hoàng đã xảy ra khi chiếc xe tải phát nổ. Sức công phá của nó khiến 1/3 tòa nhà P. Murrah Alfred 7 tầng bị vỡ ra từng mảnh. Kính, bê tông và sắt thép rơi xuống như mưa. Trong đống đổ nát cháy âm ỉ, rất nhiều người đã chết hoặc bị thương.
Dana Bradley, một nạn nhân trong vụ đánh bom thành phố Oklahoma. |
Kẻ đánh bom, Timothy James McVeigh, 27 tuổi, đã rời xa hiện trường một cách an toàn vào thời điểm tòa nhà bị đánh sập. Trong đầu hắn là những ý nghĩ về một cuộc thập tự chinh, một chiến binh báo thù và một người anh hùng bảo vệ hiến pháp. Thậm chí hắn còn không nghe rõ tiếng còi hụ của xe cấp cứu đang vội vã đến hiện trường. Bởi trước khi đào tẩu, hắn đã nhét bông vào tai để khỏi bị ảnh hưởng trước âm thanh kinh hoàng của vụ nổ.
Một du khách Nhật Bản, dù đã quá quen thuộc với những trận động đất mạnh, cũng phải thốt lên “vụ nổ này khủng khiếp hơn cả trận động đất mạnh nhất” mà anh ta từng thấy. Bởi không hề có cảnh báo, không có tiếng kêu la để báo hiệu “điều tồi tệ sẽ xảy ra”. Nó xảy ra tức thì.
Khi vụ nổ xảy ra, một quả cầu lửa khổng lồ bùng lên, che lấp cả bầu trời và mạn phía bắc của tòa nhà. Sức công phá nhấc bổng cả người đi bộ lên khỏi mặt đất. Biển báo giao thông và các máy thu tiền đỗ xe trên phố bị văng khỏi vỉa hè. Cửa kính vỡ vụn, bay đi như những viên đạn, gây thương tích cho nhiều người đi bộ.
Vụ nổ làm cho các tầng phía trên của tòa nhà P. Murrah Alfred sập xuống, tạo ra phản ứng dây chuyền và đè bẹp mọi thứ bên dưới. Trung tâm trông trẻ trong tòa nhà cũng bị tàn phá khủng khiếp.
Ngay lập tức, lực lượng cứu hộ đã có mặt tại hiện trường. Bên cạnh đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, rất nhiều người tình nguyện đã lao vào đào bới, tìm kiếm và đưa người chết cũng như bị thương ra khỏi đống đổ nát. Nhà chức trách đã sử dụng các thiết bị dò tín hiệu có độ nhạy cao, có thể nghe được nhịp đập của tim để phát hiện và định vị những người còn sống sót.
Thiết bị dò tín hiệu đã xác định được một phụ nữ bị chôn vùi trong đống đổ nát, Dana Bradley, khi cô đang kêu khóc cầu cứu. Cô gái 20 tuổi này bị mất nhiều máu ở chân, do bị kẹt dưới tảng bê tông trong 5 giờ. Tảng bê tông quá lớn và đội cứu hộ không thể dịch chuyển. Vì vậy, hy vọng duy nhất để giải thoát cho cô gái là cắt bỏ một bên chân đã dập nát. Dana Bradley nài nỉ đội cứu hộ thử cách khác, tuy nhiên nếu trì hoãn thì mối nguy hiểm sẽ tăng gấp đôi. Cô gái có thể chảy máu đến chết, hoặc tòa nhà có thể sụp đổ lên Dana và đội cứu hộ.
Tòa nhà P. Murrah Alfred bị đánh sạt. |
Khi quay trở lại, bác sỹ Gary Massad, một tình nguyện viên, đã phải đối mặt với một trong những quyết định quan trọng nhất trong sự nghiệp. Do thuốc gây tê có thể dẫn đến tình trạng hôn mê chết người nên ca mổ sẽ được tiến hành trong lúc bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo.
Ca mổ thực hiện xong, cô gái được đưa ra khỏi đống đổ nát và chuyển tới bệnh viện. Dana Bradley bị cụt chân, nhưng tệ hại hơn, cô đã mất mẹ và hai con trong vụ đánh bom.
Những ngày tồi tệ dần trôi qua, nhưng hàng trăm câu chuyện về sự bi thương, anh hùng, lòng quả cảm đã được kể lại. Đó cũng là những câu chuyện bất tận về lòng vị tha đáng kinh ngạc, về lòng tốt tuyệt vời của con người.
Nhưng điều mà ít ai nói đến đó là những hậu quả tâm lý khi một đứa trẻ nhận thức về những gì mà sự tàn khốc đã cướp đi cha mẹ của chúng hay sự đau đớn của những người cha, người mẹ khi những đứa con vô tội của họ không bao giờ quay trở về.
Vụ đánh bom kinh hoàng đã làm 1 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương. Niềm hy vọng và giấc mơ của rất nhiều gia đình đã bị dập tắt.
Tuy nhiên, thiệt hại vào thời điểm đó, mà không ai hay biết, chính là do sự ngây thơ của người Mỹ. Chủ nghĩa khủng bố ở Oklahoma đã xuất hiện với mức độ nghiêm trọng, nhưng kẻ khủng bố lại chỉ là một thanh niên bình thường. Hắn đã nhanh chóng lái xe rời khỏi khu vực đánh bom, chạy ra đại lộ 35 để trốn sang tiểu bang khác.
Nguyễn Bình (Tổng hợp)
Đón đọc kỳ tới: Lần theo dấu vết