Điều này thể hiện rất rõ trong lá thư của Người gửi Đại hội các dân tộc thiểu số (DTTS) miền Nam tổ chức tại Plâycu (19/4/1946).
Thời điểm ra đời bức thưNgay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân ta chưa được hưởng những thành quả của độc lập, tự do thì thực dân Pháp (núp sau lưng quân Anh) trở lại xâm lược nước ta. Lúc này, Trung ương Đảng và Chính phủ đứng trước muôn vàn nhiệm vụ phải giải quyết, nhưng với tầm nhìn và trí tuệ uyên bác của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề đoàn kết dân tộc lên hàng đầu để lãnh đạo toàn dân tộc Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, ác liệt.
Hồ Chủ Tịch hỏi chuyện thân mật cháu Hay Đơn, thiếu nhi dân tộc ở Tây Nguyên ra thăm miền Bắc.Ảnh: TTXVN |
Ngày 3/12/1945, Bác chỉ đạo triệu tập Hội nghị đại biểu các DTTS toàn quốc, trong đó có đại diện đồng bào dân tộc các tỉnh Tây Nguyên. Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nhờ sức đoàn kết đấu tranh chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các DTTS được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói nữa. Trước kia để giành độc lập các dân tộc phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng phải đoàn kết hơn nữa”.
Hơn 3 tháng sau, chiến tranh lan rộng khắp miền Nam. Ở địa bàn Tây Nguyên, quân đội Pháp tiến theo đường 14 đánh chiếm phần lớn Nam Tây Nguyên và đang tìm cách chọc thủng phòng tuyến Buôn Hồ để tiến ra Bắc Tây Nguyên. Trong bối cảnh chiến sự ác liệt như vậy, Trung ương và Bác Hồ vẫn quyết định tổ chức Đại hội các DTTS miền Nam tại Pleiku với hơn 400 đại biểu về tham dự. Bác đã gửi cho Đại hội một bức thư, trong đó chứa đựng tầm nhìn sâu xa về vấn đề đoàn kết dân tộc, chứa đựng tình cảm thiêng liêng đối với mảnh đất Tây Nguyên và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Nội dung bức thư thể hiện tầm vóc, tư duy nhìn xa, sâu rộng của Bác về vấn đề dân tộc, về chính sách dân tộc, về công tác dân tộc. Bức thư ngắn gọn, lời lẽ mộc mạc, gần gũi, dễ hiểu, chứa đựng những nội dung sâu sắc, làm nền tảng cho toàn bộ chính sách dân tộc của Đảng ta về sau này. Trong thư, Bác bày tỏ tình cảm chân thành, tha thiết đối với đồng bào các dân tộc, đồng thời xác định những quan điểm rất mới, rất cơ bản của Đảng, Chính phủ đối với các DTTS và những nguyên tắc mang tính nền tảng để xây dựng, củng cố, phát triển mối quan hệ anh em ruột thịt giữa các dân tộc cũng như trách nhiệm của các dân tộc đối với vận mệnh của đất nước và đối với Chính phủ trong thời điểm Tổ quốc bị lâm nguy.
Người viết rằng: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê đê, Xơ đăng hay Ba na và các DTTS khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu giây liên lạc, hai là vì có kẻ xúi giục để chia rẽ chúng ta. Ngày nay... chúng ta phải thương yêu nhau, kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.
Những câu nói trên không những đã khái quát được toàn bộ quan điểm và cách nhìn nhận của Bác Hồ về vấn đề đoàn kết dân tộc, mà còn thể hiện là Bác Hồ hiểu rất rõ vấn đề dân tộc ở Tây Nguyên, nơi mà trong suốt mấy chục năm cai trị, thực dân Pháp đã tìm mọi cách gây tâm lý dân tộc hẹp hòi, kích động tư tưởng ly khai, thực hiện mưu đồ tách Tây Nguyên ra khỏi Việt Nam (để trở thành lãnh thổ thuộc Pháp).
Trong bối cảnh đó, từng câu, từng chữ trong bức thư đã có sức mạnh to lớn hội tụ, làm nhân lên sức mạnh đoàn kết trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đối với các DTTS ở miền Nam và Tây Nguyên. Có một sự kiện mà nhiều đồng chí cán bộ lão thành cách mạng ở Tây Nguyên đều biết: Đó là sau khi Pháp mở rộng đánh chiếm ra cả nước, mặc dù đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, nhưng ngay trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức gặp mặt đại biểu Quốc hội của các tỉnh Tây Nguyên, hỏi thăm cặn kẽ về tình hình Tây Nguyên và căn dặn: “Các chú ra họp Quốc hội, nói với Quốc hội rằng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên quyết tâm trường kỳ đánh đuổi thực dân Pháp. Đồng bào các dân tộc Nam-Bắc đoàn kết chặt chẽ như bó đũa sẽ có đủ sức mạnh. Tới lúc đó thực dân Pháp nhất định phải thua chúng ta”.
Sức mạnh tinh thần Ngay sau Đại hội, tuân theo lời dạy của Bác, các đại biểu đã tỏa về các buôn, làng vận động quần chúng, tổ chức các buổi liên hoan, lễ hội ăn thề theo phong tục, bày tỏ niềm tin tuyệt đối của đồng bào vào sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ, quyết tâm thực hiện đoàn kết các dân tộc, đoàn kết Kinh-Thượng, sát cánh cùng nhau chiến đấu chống thực dân Pháp. Ban vận động Quốc dân thiểu số và Phòng Quốc dân thiểu số các tỉnh Tây Nguyên tập trung đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức thực hiện công tác dân tộc, mở các lớp ngắn ngày đào tạo cán bộ dân tộc, tổ chức các lễ hội đoàn kết dân tộc ở cấp tỉnh, cấp huyện và xây dựng các đội công tác bám buôn làng vùng đồng bào DTTS để giáo dục, vận động đồng bào đấu tranh chống Pháp, bảo vệ nền độc lập tự do.
Thực tế trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước, Tây Nguyên đã trở thành một trong những căn cứ địa của Cách mạng miền Nam. Mặc dù, muối chưa đủ ăn, cơm chưa đủ no, áo chưa đủ mặc... nhưng hàng vạn đồng bào các dân tộc đã hăng hái tham gia du kích, xây dựng làng kháng chiến, thoát ly chiến đấu bảo vệ quê hương, bảo vệ Tổ quốc. Nhiều cán bộ người Kinh theo lời dạy của Bác Hồ đã lên Tây Nguyên cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào dân tộc thiểu số, được đồng bào yêu thương, đùm bọc, nhường cơm sẻ áo, cùng chung lưng đấu cật để chống giặc, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.
Cũng chính với tư duy đó, cộng với sự động viên, giáo dục tuyệt vời, khéo léo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu hút được rất nhiều nhân sỹ, trí thức người DTTS đứng vào hàng ngũ cách mạng. Trong hơn 30 năm kháng chiến, Tây Nguyên đã cống hiến cho đất nước những người con ưu tú, xả thân vì nước và vun đắp cho mối tình đoàn kết keo sơn giữa các dân tộc, tiêu biểu là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các vị lão thành cách mạng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tiêu biểu như các cụ Đinh Núp (dân tộc Ba na); Nay De, nhà giáo có uy tín lớn, Kpah Klơng, Anh hùng Wừu (dân tộc Ja rai); Y Bih Alêô, Y Ngông Niê Kdăm (dân tộc Ê đê); Ure, Y Buông (dân tộc Xê-đăng); Bi Năng Tắc (dân tộc Raglai); Điểu Ong (dân tộc X'tiêng) và rất nhiều cán bộ lão thành khác nữa đã hy sinh trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc.
Từ sau ngày miền Nam giải phóng đến nay, thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã đầu tư lớn cả về sức người, sức của để khai thác tiềm năng, thế mạnh của Tây Nguyên, đồng thời chăm lo phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS. Nhất là từ sau khi có Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của BCHTW (khóa IX) về công tác dân tộc và Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 18/1/2002 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010, Đảng và Nhà nước đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên, mà một trong những trọng tâm là bảo đảm một nguồn lực cần thiết để tạo bước chuyển về sản xuất, đời sống trong vùng DTTS tại chỗ; bảo đảm sự đoàn kết, bình đẳng, tương trợ, chung sức chung lòng xây dựng Tây Nguyên giàu mạnh.
Và trên thực tế, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đem lại những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa rất quan trọng cho vùng Tây Nguyên. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc đã từng bước được cải thiện; các quyền của đồng bào về chính trị được bảo đảm; đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ người DTTS được quan tâm; chính sách giao đất, giao rừng, bảo đảm đất ở, đất sản xuất, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào đã được thực hiện; không ngừng phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí và bảo đảm các quyền của đồng bào DTTS về văn hóa thông tin, bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, tiếng nói và chữ viết các dân tộc.
Mặc dù Tây Nguyên hiện vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn xác định: "Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp ... xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”...