Theo đó, 11% ngân sách công nghệ được dành riêng cho an ninh mạng trong năm 2022, tăng so với mức 8,6% của năm 2021.
Cụ thể, các tổ chức ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản (APJ) đã xác định "săn tìm" mối đe dọa là trọng tâm để tăng cường khả năng phòng thủ an ninh mạng và hầu hết các tổ chức này (90%) đã tiến hành công việc trên trong năm 2021, trong đó 85% cho biết cách tiếp cận là rất quan trọng đối với khả năng an ninh mạng tổng thể của các doanh nghiệp.
Aaron Bugal, kỹ sư giải pháp toàn cầu thuộc Sophos cho hay: “Thật tốt khi các tổ chức coi trọng vấn đề an ninh mạng nhiều hơn, với ngân sách và mức độ thành công đang tăng lên". Ông Bugal lưu ý rằng các tổ chức cần đảm bảo không phóng đại thành công và không tự mãn. Theo kỹ sư này, với sự gia tăng đầu tư, người ta sẽ nghĩ rằng các vụ tấn công mạng thành công sẽ giảm, tuy nhiên những vụ tấn công này vẫn tiếp tục tăng lên. Báo cáo về mã độc tống tiền của Sophos cho thấy 72% các tổ chức APJ đã bị tấn công mạng vào năm 2021, tăng so với mức 39% của năm 2020. Với tình hình này, các tổ chức quan trọng cần xem xét các chiến lược mạng thường xuyên và giải quyết các lỗ hổng. Điều này ngày càng trở nên quan trọng vì Sophos đã chứng kiến sự gia tăng số trường hợp các tổ chức bị tấn công mạng nhiều lần.
Theo khảo sát, 45% các công ty được hỏi đã không thực hiện thay đổi đối với thông tin hoặc cách tiếp cận an ninh mạng của họ trong 12 tháng qua, cho thấy thái độ thụ động đối với an ninh mạng.
Kỹ sư Sophos nhận định các chiến lược an ninh mạng phải thường xuyên được thực hiện và thậm chí phải đi trước đón đầu trong bối cảnh có nhiều mối đe dọa hiện nay. Bằng cách cập nhật các chiến lược an ninh mạng sau khi ngăn chặn thành công một vụ tấn công, các tổ chức sẽ luôn duy trì được trạng thái sẵn sàng ứng phó và tiếp tục trở thành mục tiêu dễ dàng cho các vụ tấn công khác. Các tổ chức cần trợ giúp có thể thuê ngoài toàn bộ hoặc một phần quy trình săn tìm mối đe dọa để có thể phát hiện và phản ứng nhanh hơn.