Trạm vũ trụ nặng 20 tấn này nhiều khả năng sẽ được sử dụng để tiến hành các thử nghiệm về môi trường không trọng lực.
Theo kế hoạch ban đầu đối với trạm trên, Ấn Độ sẽ đưa các phi hành gia vào không gian từ 15-20 ngày, song các thông tin chi tiết sẽ được công bố sau khi chuyến bay không gian đầu tiên có người điều khiển, còn được gọi là sứ mệnh Gaganyaan, được hoàn tất.
Dự án trạm vũ trụ sẽ là sự mở rộng của sứ mệnh Gangayaan. Ông Sivan nói: "Chúng tôi phải duy trì chương trình Gaganyaan sau chuyến bay vũ trụ có người điều khiển. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ có kế hoạch sở hữu trạm vũ trụ của riêng mình".
Theo hãng NDTV, Ấn Độ sẽ không hợp tác với bất cứ nước nào khác về dự án trạm vũ trụ nói trên. Đến nay những quốc gia có trạm vũ trụ là Mỹ, Nga và Trung Quốc và một nhóm quốc gia sở hữu Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Chính phủ Ấn Độ đã thông qua khoản ngân sách gần 1,4 tỷ USD cho sứ mệnh Gaganyaan. Trong sứ mệnh này, Ấn Độ sẽ thực hiện hai chuyến bay từ Sriharikota thuộc bang Andhra Pradesh không có người lái trước khi triển khai chuyến bay đầu tiên có người điều khiển vào năm 2022.
Hiện ISRO đang tập trung vào sứ mệnh thứ hai của Ấn Độ đối với Mặt Trăng mang tên Chandrayaan-2. Chuyến bay sẽ được phóng vào ngày 15/7 tới nhằm đáp tàu vũ trụ xuống gần vùng cực Nam, nơi chưa được khám phá, của thiên thể này.