Thưa ông, Chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ (SHTT) năm nay hướng về phụ nữ. Tuy nhiên hiện nay có quá ít phụ nữ tham gia vào hệ thống SHTT. Điều đó có nghĩa là quá ít phụ nữ được hưởng lợi từ SHTT. Khi phụ nữ bị yếu thế, chúng ta sẽ mất đi những lợi ích mà họ mang lại, xã hội cũng bị hao hụt tài nguyên và tài năng trí tuệ?
Đã 5 năm kể từ thông điệp của Ngày SHTT thế giới năm 2018 với chủ đề “Tiếp sức cho những thay đổi – Phụ nữ với đổi mới sáng tạo” được phát đi, năm nay – 2023 là thời điểm để ta nhìn lại và tôn vinh những cống hiến của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc khuyến khích và hỗ trợ tham gia các hoạt động sở hữu trí tuệ. Đồng thời, chủ đề năm nay nhấn mạnh rằng sự tham gia của phụ nữ là quan trọng đối với việc đảm bảo sự bình đẳng giới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, rằng phụ nữ luôn có đầy đủ năng lực, cơ hội và công cụ để tiếp cận và thực hiện các quyền sở hữu trí tuệ của mình.
Bằng việc khuyến khích nhiều phụ nữ sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ để bảo vệ và gia tăng giá trị sẽ tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, là động lực cho chu kỳ tăng trưởng mới. Trong những năm vừa qua, WIPO đã và đang rất nỗ lực trong việc thu hẹp khoảng cách về giới trong lĩnh vực SHTT. Rõ ràng đây không chỉ là vấn đề của riêng của quốc gia nào mà là vấn đề mang tính toàn cầu.
Theo tổng hợp từ WIPO, chỉ có khoảng 4% phụ nữ ở các quốc gia nói tiếng Đức là chủ đơn đăng ký sáng chế, con số này ở Mỹ là 10% và ở các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha là khoảng 20% . Nam giới đăng ký bản quyền tác giả nhiều gấp đôi so với nữ giới 2 . Những số liệu này cho thấy rằng còn một khoảng cách giới đáng kể trong lĩnh vực SHTT.
Tại Việt Nam, bình đẳng giới nói chung đã được Đảng và Nhà nước quan tâm - tỷ lệ phụ nữ là cán bộ quản lý, đại biểu quốc hội tăng. Theo số liệu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), chỉ số thu hẹp khoảng cách giới (The gender gap index) của Việt Nam năm 2022 tăng 4 bậc so với năm 2021 - xếp 83/146 quốc gia và vùng lãnh thổ 3.
Bắt đầu từ năm 2011, Chính phủ bắt đầu ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới theo giai đoạn 10 năm. Hiện nay, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 tập trung vào các mục tiêu về chính trị, kinh tế - lao động, gia đình, y tế, giáo dục - đào tạo, thông tin - truyền thông.
Tôi cho rằng, trong các giai đoạn sắp tới khi khoảng cách giới trong vấn đề an sinh xã được thu hẹp thì lĩnh vực khoa học - công nghệ nói chung và SHTT nói riêng sẽ cần được đẩy mạnh hơn để tạo cơ hội phát triển bản thân và đem lại lợi ích cho phụ nữ.
Ông có thể cụ thể hoá những chính sách hay hỗ trợ gì cho các nhà khoa học nữ, nhà sáng tạo nữ, nhà sáng chế nữ, các doanh nghiệp hay hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ? Hiệu quả của các chính sách, chương trình đó ra sao?
Tại Việt Nam, hiện chưa có con số thống kê các nhà sáng chế đứng tên trên đơn đăng ký sáng chế là phụ nữ. Tuy nhiên, số lượng nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam có sự gia tăng (chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước). Thông qua hoạt động nghiên cứu KH&CN, nữ giới ngày một khẳng định được vị thế, vai trò của mình, họ đã được Nhà nước, xã hội, cộng đồng tôn vinh và ghi nhận những đóng góp lớn lao trong công tác nghiên cứu KH&CN, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Ví dụ: PGS. TS. Nguyễn Thị Trâm – giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, bà đã nghiên cứu thành công hàng chục giống lúa lai có giá trị hàng tỷ đồng; GS. TS. Lê Mai Hương (Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ) đã đoạt giải Vàng, giải Bạc tại Triển lãm quốc tế Phụ nữ sáng tạo và sở hữu trí tuệ năm 2018 của Hiệp hội các nhà nữ sáng chế của Hàn Quốc; TS. Lê Thái Hà (34 tuổi) là nhà khoa học nữ duy nhất của Việt Nam được xướng tên trong danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất năm 2022 được Nhà xuất bản Elsevier công bố. Ba nhà nữ khoa học: PGS. TS Lê Minh Hà - Trưởng phòng Hóa dược, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; PGS.TS Phan Thị Phương Nhi - Phó Trưởng khoa Nông học, phụ trách Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Khoa Nông học, Đại học Nông Lâm Huế; TS Hà Thị Thanh Hương - Trưởng bộ môn Kỹ thuật Mô và Y học Tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh được “LOréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” vinh danh Giải tài năng nữ khoa học trẻ thế giới.
Ngoài ra, tại Cục SHTT, số cán bộ, công chức, viên chức người lao động nữ chiếm 52,42%, nữ giới ngày một khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong hoạt động của Cục.
Nhận thức rõ về thực trạng còn tồn tại một số bất bình đẳng giới trong nghiên cứu và sáng tạo với không ít khó khăn mà các nhà khoa học và đổi mới sáng tạo, doanh nhân nữ còn phải đối diện, Chính phủ Việt Nam đã và đang ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ các nhà khoa học nữ, nhà sáng tạo nữ, nhà sáng chế nữ, các doanh nghiệp hay hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Một trong những chính sách phải kể đến, đó là Đề án 939 về Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025. Bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, qua 4 năm thực hiện đề án này, đã có gần 3.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp tại cấp Trung ương, hơn 72.000 phụ nữ khởi nghiệp, 1.451 doanh nghiệp và 523 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ thành lập mới từ hỗ trợ của Đề án.
Thực tiễn triển khai hoạt động trong nhiều năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT từ Trung ương đến địa phương luôn chú trọng triển khai các hoạt động SHTT phối hợp với các tổ chức của nữ giới, cụ thể là các hoạt động hội nghị, hội thảo, tọa đàm với Liên hiệp hội phụ nữ Việt Nam, Hội Phụ nữ của các tỉnh thành, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Hội Nữ trí thức các Bộ, ngành… Những hoạt động này luôn được các nhà khoa học, nữ trí thức và nữ doanh nhân đánh giá cao về thông tin.
Theo ông, cần thêm các chính sách nào để thu hẹp khoảng cách, tạo cơ hội tiếp cận hệ thống sở hữu trí tuệ cho nữ khoa học, nữ doanh nhân sáng tạo giúp họ có thể cạnh tranh một cách công bằng ở cả trong nước và quốc tế?
Để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia hoạt động nghiên cứu KH&CN, tiếp cận hệ thống sở hữu trí tuệ, tăng năng lực cạnh tranh bình đẳng giới ở trong nước và quốc tế cần có những giải pháp như sau: Cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật, chính sách trong nước để giúp các nhà sáng chế, doanh nhân nữ có được vị thế thích hợp trong bối cảnh toàn cầu hóa không ngừng phát triển; Các quy định pháp luật, chính sách này cần xây dựng và cụ thể hóa theo hướng thúc đẩy bình đẳng giới, có đãi ngộ đủ mạnh để động viên, khuyến khích các nhà khoa học nữ làm công tác nghiên cứu; Cần bổ sung nhiều những chương trình KH&CN cấp quốc gia áp dụng cho các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc để khuyến khích sự phát triển các nhà khoa học nữ; Có chính sách bồi dưỡng, đào tạo ưu tiên nữ giới hoạt động nghiên cứu KH&CN, tiếp cận hệ thống sở hữu trí tuệ. Hỗ trợ cung cấp các chương trình đào tạo cho phụ nữ Việt Nam nhằm thu hẹp khoảng cách, tạo cơ hội tiếp cận hệ thống sở hữu trí tuệ cho nữ khoa học, nữ doanh nhân sáng tạo để họ có thể cạnh tranh một cách công bằng ở cấp độ quốc tế. Đồng thời hợp tác với các chính phủ, tổ chức công, hoặc các tổ chức, hiệp hội khác để thực hiện hoạt động liên quan hỗ trợ các nhà sáng chế và doanh nhân nữ như: Diễn đàn, hội thảo, triển lãm quốc tế về sáng chế của nữ…