Nghiên cứu trên do các chuyên gia Trung tâm Y tế số 5 thuộc Bệnh viện Quân y Trung Quốc tại Bắc Kinh thực hiện và vừa được công bố kết quả trên tạp chí y khoa The Lancet (Anh) tuần này.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin nhóm chuyên gia đã lấy mẫu sinh thiết khi tiến hành khám nghiệm tử thi của một người đàn ông 50 tuổi tử vong hồi cuối tháng 1 vì COVID-19.
Sau khi quan sát phổi, gan và mô tim của bệnh nhân xấu số, họ phát hiện “các đặc điểm bệnh lý của COVID-19 rất giống với Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) cùng do họ virus Corona gây ra.
Dịch SARS bùng phát năm 2002 – 2003, khởi phát từ miền Nam Trung Quốc, đã cướp đi sinh mạng của trên 800 người ở hàng chục quốc gia. Trong khi đó, dịch MERS bùng phát năm 2012 với ca nhiễm đầu tiên tại Saudi Arabia đã làm 860 người tử vong trên toàn thế giới.
Nam bệnh nhân 50 tuổi nói trên đã lộ triệu chứng mắc bệnh vào ngày 14/1 và tử vong hai tuần sau đó. Ông bị tổn thương phế nang phổi và gan, có thể do virus tấn công hoặc do loại thuốc được sử dụng trong quá trình điều trị cho ông. Mô tim của bệnh nhân này không bị tổn thương nặng cho thấy việc nhiễm virus Corona có thể không gây suy yếu trực tiếp tim.
Các nhà nghiên cứu cho rằng việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus Corona bằng corticosteroid - thuốc chống viêm mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo không nên sử dụng thường xuyên ngoài các thử nghiệm lâm sàng - nên được xem xét dùng thêm máy thở cho người bệnh nếu họ ở trong tình trạng nguy kịch, dựa trên tổn thương phổi phát hiện ở nam bệnh nhân tử vong.
Wang Fusheng and Zhao Jingmin, hai đồng tác giả của nghiên cứu trên, vẫn chưa phản hồi lời đề nghị bình luận thêm về vấn đề này. Họ lưu ý trong nghiên cứu rằng không có kết quả bệnh lý nào được báo cáo trước đây đối với các ca nhiễm COVID-19, do kết quả khám nghiệm tử thi hay sinh thiết đều hầu như không thể tiếp cận được.
Một nghiên cứu khác đăng trên The Lancet do các nhà khoa học tại Đại học Edinburgh công bố ngày 7/2 đã lập luận rằng, mặc dù corticosteroids được sử dụng rộng rãi thời dịch SARS và MERS và đã được thử nghiệm trên bệnh nhân nhiễm virus Corona mới, các nghiên cứu quan sát cho thấy việc sử dụng chúng để giảm viêm có thể gây ra những biến chứng bao gồm tiểu đường, tiêu diệt mô xương cũng như làm chậm quá trình chống virus.
Theo hãng tin Reuters, các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu bệnh phẩm ở mũi và họng từ 18 bệnh nhân nhiễm chủng mới của virus Corona cho rằng virus này lây giống cúm hơn nhiều so với các chủng virus liên quan khác. Có ít nhất một trường hợp bệnh nhân nhiễm COVID-19 mà hoàn toàn không có triệu chứng bệnh. Điều này làm dấy lên lo ngại bệnh có thể lây từ những người không có triệu chứng nhiễm bệnh.
Những phát hiện trên được đăng trên Tạp chí Y học New England số ra ngày 19/2, và mặc dù mới chỉ là nghiên cứu sơ bộ, song đã đưa ra bằng chứng mới cho thấy chủng virus gây COVID-19 không giống các chủng Corona họ hàng.
Không giống SARS gây nhiễm trùng sâu đường hô hấp dưới có thể dẫn tới viêm phổi, COVID-19 có thể cư trú ở cả đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Điều này khiến nó không chỉ gây viêm phổi nặng mà có thể lây lan dễ dàng như cúm hoặc cảm lạnh thông thường.