Trong tuyên bố, đại diện 170 nước tham dự hội nghị tại thủ đô Nairobi của Kenya cam kết "giải quyết những mối đe dọa các hệ sinh thái của chúng ta..., bao gồm tới năm 2030 giảm mạnh các sản phẩm đồ nhựa dùng một lần." Đây là một trong những nỗ lực của các nước nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng ô nhiễm Trái Đất với con số cụ thể là giảm khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa bị đổ ra biển mỗi năm. Các nước đều nhất trí cho rằng giải pháp trước mắt là hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Mỗi năm, hơn 300 triệu tấn đồ dùng nhựa được sản xuất và tính tới nay, ít nhất 5.000 tỷ vật thể nhựa được cho là đang trôi nổi trên bề mặt các đại dương. Do các yếu tố về chi phí và thời gian, hầu hết các nghiên cứu về ô nhiễm rác thải nhựa mới chỉ được tiến hành ở các vùng nước bề mặt. Những nghiên cứu này đều chỉ ra rác thải nhựa đã gây ra tình trạng ô nhiễm trên diện rộng, ảnh hưởng tới môi sinh của các loài sinh vật dưới nước như cá, rùa, cá voi và chim biển.
Hội nghị thường niên của UNEP khai mạc ngày 11/3 tại thủ đô Nairobi của Kenya. Với sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia, các bộ trưởng, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và đại diện các xã hội dân sự, hội nghị được tổ chức nhằm thảo luận biện pháp nhằm giảm tình trạng ô nhiễm và xây dựng nền kinh tế toàn cầu "xanh hơn".