Các quan chức EP và Hội đồng châu Âu đại diện cho các quốc gia thành viên EU đạt được sự đồng thuận trên sau hơn 12 giờ tranh luận. Theo đó, các quy định mới trong dự luật nhắm tới 10 đồ vật thường xuyên bị vứt bỏ bừa bãi tại các bãi biển châu Âu. Dự luật cũng đề xuất cấm các sản phẩm tăm bông và hộp nhựa đựng thức ăn có thành phần polystyrene.
Hội đồng châu Âu ra tuyên bố nhấn mạnh các biện pháp được đề ra trong dự luật này và việc thực hiện chúng cần ưu tiên theo hướng chuyển đổi sang các sản phẩm có thể tái sử dụng thay vì những sản phẩm dùng một lần.
Với nỗ lực cắt giảm các sản phẩm nhựa dùng một lần, chiếm tỷ lệ lớn trong lượng rác thải trôi nổi ở các đại dương trên thế giới, EU hy vọng dự luật này sẽ sớm vượt qua vòng phê duyệt cuối cùng và chính thức có hiệu lực vào năm 2021.
Theo thống kê của Ủy ban châu Âu (EC), rác thải nhựa hiện chiếm khoảng 70% lượng rác thải tại các đại dương và trên các bãi biển. Trong khi đó, một nghiên cứu hồi tháng 10 năm nay đã lần đầu tiên chỉ ra tồn dư nhựa trong chuỗi thức ăn của con người.
Ô nhiễm rác thải nhựa hiện đang là một vấn đề nổi cộm toàn cầu. Theo ước tính của các chuyên gia, đến năm 2050, trên thế giới sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất và một phần lớn trong số đó sẽ kết thúc ở các đại dương - nơi mà chúng sẽ "trôi nổi" trong nhiều thế kỷ.
Trong một kịch bản xấu nhất mà tổ chức môi trường Ocean Conservancy và Công ty Tư vấn McKinsey của Mỹ dự báo, chỉ tới năm 2025, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa trên đại dương. Khi đã lọt ra biển, rác thải nhựa có thể cần tới hơn 400 năm để phân hủy. Trong lúc đó, những hạt nhựa siêu nhỏ đã kịp “thâm nhập” vào chuỗi thức ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng triệu loài sinh vật và con người.