"Nở rộ" các sáng chế
Gặp nhà sáng chế Tạ Đình Huy (sinh năm 1982, ở xã Thượng Vực, Chương Mỹ, Hà Nội) khi anh tham gia Triển lãm kết quả nghiên cứu KH&CN vùng đồng bằng sông Hồng được tổ chức tại Hải Phòng. Nhìn anh Huy đứng giới thiệu về chiếc máy nông nghiệp 15 trong 1 do anh chế tạo ít người đoán ra được đây là sáng chế của một người chưa từng qua trường lớp kỹ thuật nào.
Nhà sáng chế Tạ Đình Huy cho biết: “Từ ý tưởng ban đầu là chế tạo máy làm nông nghiệp sử dụng động cơ xe máy một cách rất thô sơ, sau khi sản phẩm được đón nhận, tôi đã tự mày mò tìm tài liệu nghiên cứu và nâng cấp dần sản phẩm lên. Hiện nay chiếc máy đã được cải tiến với 15 chức năng từ canh tác đến chăm sóc, thu hoạch như: Cày, bừa, phay đất, tạo hàng, gieo hạt, phun thuốc bảo vệ thực vật, bơm nước, hút bùn... thậm chí cả nghiền thức ăn chăn nuôi. Tùy từng công năng sử dụng của máy có thể cho năng suất bằng 20-30 công lao động khỏe mạnh”.
Cũng là một nhà sáng chế không chuyên, ông Trần Đại Nghĩa (sinh năm 1970, ở xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) cũng được rất nhiều người nông dân các vùng miền biết tới với sáng chế "máy cấy lúa đa năng không dùng động cơ" có công suất làm việc bằng 7- 8 người lao động. Không chỉ nổi tiếng với chiếc máy cấy, gần đây ông Nghĩa còn nghiên cứu ra sản phẩm máy bay phun thuốc trừ sâu chuẩn bị cho ra thị trường với năng suất phun lên tới 1.000 mét vuông chỉ trong 5 phút.
Không chỉ các nhà sáng chế Trần Đại Nghĩa, Tạ Đình Huy, thời gian gần đây rất nhiều nhà sáng chế không chuyên đã cho ra đời các sản phẩm nghiên cứu có chất lượng cao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn. Đây là một nguồn lực không nhỏ để phát triển KHCN, “thổi” lên phong trào nghiên cứu khoa học trong công đồng.
Cần nhiều hỗ trợ
Tuy nhiên hầu hết hiện nay các nhà sáng chế không chuyên đều đang tự “bơi” mà chưa tiếp cận được nhiều cơ hội hỗ trợ. Đơn cử như doanh nghiệp sản xuất máy nông nghiệp đa năng của anh Tạ Đình Huy hiện nay mới đang làm thủ tục để được chứng nhận là doanh nghiệp KHCN. Anh cho biết, dù đã thành lập doanh nghiệp nhiều năm nhưng mới chỉ biết tới hình thức doanh nghiệp KHCN được ưu đãi về thuế, và chưa biết nhiều đến các chính sách ưu đãi, các nguồn có thể xin hỗ trợ để phát triển sản phẩm.
Không chỉ anh Huy, nhiều sáng chế trong cộng đồng tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ. Để đẩy mạnh phong trào nghiên cứu trong cộng đồng, các nhà sáng chế không chuyên có thể phát huy khả năng nghiên cứu sáng tạo, ngoài các chính sách hỗ trợ, Nhà nước cũng cần có nhiều kênh, nhiều “sân chơi” để các nhà sáng chế có thể dễ dàng tiếp cận các hỗ trợ, giao lưu học hỏi, đồng thời quảng bá, tìm nguồn hỗ trợ, phát triển sản phẩm.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, thời gian qua các nhà khoa học không chuyên đã có đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất. Nhằm khuyến khích sức sáng tạo từ người dân, hiện Bộ KHCN đã có các chính sách hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sáng chế không chuyên trong thương mại hóa sản phẩm như: Tổ chức chợ công nghệ và thiết bị Techmart; hỗ trợ cá nhân có sáng chế, sáng kiến thành lập doanh nghiệp KHCN; quảng bá sản phẩm qua một số kênh thông tin đại chúng...
Bên cạnh hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cũng đã có các hoạt động hỗ trợ các nhà sáng chế như: Hỗ trợ tư vấn cho các tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận, khai thác nguồn thông tin sáng chế; tư vấn hỗ trợ để các nhà sáng chế đăng ký xác lập quyền bảo hộ; hỗ trợ hoàn thiện, khai thác, áp dụng những sáng chế đã được bảo hộ vào thực tế để thương mại hóa…
Với những chính sách đã có, việc các nhà sáng chế có thể dễ dàng tiếp cận nguồn hỗ trợ, được tạo điều kiện để tham gia các chương trình, được đơn giản hóa thủ tục liên quan đến sản phẩm sẽ giúp họ được thỏa sức sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa các sản phẩm KHCN cho sản xuất, đời sống.