Đây là sự kiện lớn của giới công nghệ thông tin thể hiện sự hưởng ứng, đồng hành của cộng đồng công nghệ thông tin trong nước cùng Chính phủ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp về công nghệ thông tin giới thiệu những công nghệ mới đang thâm nhập vào mọi ngõ ngách đời sống xã hội và sẽ là nền tảng đưa Việt Nam trở thành quốc gia số trong thời gian tới.
Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại Du lịch Thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức. Sự kiện được Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ và chỉ đạo, với sự ủng hộ và bảo trợ của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Ngân hàng nhà nước Việt Nam cùng sự phối hợp của 11 hiệp hội ngành nghề.
Những năm qua, ngành công nghệ thông tin Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành hạ tầng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, là phương thức phát triển mới nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu từ ngành công nghệ thông tin năm 2019 đạt khoảng 100 tỷ USD, tương đương 1/3 GDP Việt Nam. Trong đó, ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin có khoảng 12.000 doanh nghiệp đạt doanh thu 11 tỷ USD. Khoảng 1 triệu lao động với khoảng 250.000 lập trình viên hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: Chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia. Nghĩa là công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập, nghĩa là giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người. Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng kêu gọi các mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhanh chóng hoạch định cho mình một bản chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi số.
Trong quá trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số. Do đó, các doanh nghiệp cần cung cấp các ứng dụng, sản phẩm, dịch vụ, đồng thời làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó không chỉ phát triển tại Việt Nam mà các sản phẩm công nghệ Make in Vietnam (sản xuất tại Việt Nam) sẽ vươn ra thị trường toàn cầu.
Năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Theo thống kê, tháng 3/2020, trên không gian mạng có khoảng 3.000 lượt đề cập chứa từ khóa “chuyển đổi số”. Đến tháng 11/2020, có khoảng 30.000 lượt đề cập (tăng 10 lần) trên không gian mạng có từ khóa “chuyển đổi số”. Như vậy có thể thấy chuyển đổi số đã và đang len lỏi vào cuộc sống cả chúng ta.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (VINASA), nhận định, chuyển đổi số đã trở thành chủ đề nóng nhất trong chương trình hành động của tất cả mọi người. Có thể nói, chuyển đổi số là hy vọng để đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, tiến vào danh sách các quốc gia tiên tiến trên thế giới, để chúng ta có cuộc sống tốt hơn với công việc hiệu quả hơn, giao tiếp thuận lợi hơn.
Hiện nay, các mô hình kinh doanh mới, các dịch vụ mới đang được sản sinh ngày càng nhiều trên các nền tảng công nghệ và giúp các doanh nghiệp tạo ra những bước nhảy vọt về kinh tế. Trong cuộc đua chuyển đổi số, các doanh nghiệp của Việt Nam cần kết nối cùng nhau, chia sẻ cùng nhau để khai thác tối đa sức mạnh của những tiến bộ công nghệ để tạo gia những giá trị mới cho xã hội, cho đất nước.
Theo ý kiến của ông Nguyễn Hùng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Phát triển công nghệ FSI, chuyển đổi số là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả khía cạnh đời sống. Từ đó các tổ chức sẽ nhận được lợi thế cạnh tranh lớn nếu biết tận dụng những thế mạnh của công nghệ trong kỷ nguyên số. Để chuyển đổi số thành công, các tổ chức, doanh nghiệp cần quan tâm đến 4 yếu tố chính là nhận thức, nền tảng công nghệ, hạ tầng số dữ liệu và nhân lực. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai số hóa tại Việt Nam cho nhiều tổ chức, ông Sơn nhận thấy mặc dù dữ liệu là nguồn tài nguyên vô giá của mọi tổ chức nhưng nguồn dữ liệu này chưa được quản lý hiệu quả. Khối lượng dữ liệu đã số hóa tại các tổ chức hiện nay ước tính đạt khoảng dưới 30%, còn lại trên 70% vẫn nằm trên giấy tờ và chưa có biện pháp quản lý, khai thác hiệu quả. Các đơn vị công nghệ cần đưa ra các giải pháp chuyển đổi số phù hợp, hiệu quả hơn.
Trong phiên khai mạc diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin, truyền thông, các diễn giả nước ngoài cũng chia sẻ thông tin về quá trình, kinh nghiệm, khó khăn trong chuyển đổi số tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, New Zeland. Trong phần tọa đàm, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương của Việt Nam đang đi tiên phong về chuyển đổi số và các chuyên gia công nghệ đã trao đổi xoay quanh nội dung làm gì để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại nước ta.
Ngày mai (15/12), Chương trình Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục diễn ra với 6 hội nghị chuyên đề xoay quanh việc chuyển đổi số trong 6 ngành và lĩnh vực trọng điểm là nông nghiệp, y tế, tiếp vận (logistics), tài chính - ngân hàng, sản xuất công nghiệp và nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Bên cạnh các báo cáo và bài phát biểu chính, chương trình còn có cuộc triển lãm giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số, hoạt động kết nối cung cầu, tư vấn về chuyển đổi số dành cho các bên quan tâm.