"Với dung lượng hiện tại và các giải pháp kịp thời, khách hàng Viettel vẫn có thể yên tâm sử dụng dịch vụ, kể cả vào giờ cao điểm. Việc truy cập Internet quốc tế, đặc biệt là google, facebook hay youtube vẫn được đảm bảo", đại diện Viettel nói.
Theo thông tin từ phía Viettel trưa 12/1, nguyên nhân ban đầu được xác định do lỗi nguồn cấp cho thiết bị tại trạm cập bờ tại Singapore. Ban quản trị hệ thống tuyến cáp đang tích cực xử lý nhưng vẫn chưa có có dự kiến thời gian khắc phục xong.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, Viettel đã nhanh chóng tiến hành các giải pháp kỹ thuật, định tuyến lại hướng kết nối cho khách hàng qua các tuyến cáp biển khác đang hoạt động bình thường như AAG, APG, AAE-1 và các tuyến đất liền qua Trung Quốc. Riêng với hướng đất liền, Viettel còn có lợi thế khác là sở hữu đường vu hồi quốc tế quan trọng qua tuyến cáp trục Đông Dương, kết nối 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Cùng với đó, nhà mạng này đã bổ sung thêm 100Gbps đối với hướng cáp biển AAE-1 và đang tiếp tục phối hợp với các đối tác để tăng cường thêm tài nguyên cho các hướng còn lại nhằm đảm bảo chất lượng kết nối không chỉ cho khách hàng Viettel mà cho cả các doanh nghiệp, nhà mạng khác đang thuê kênh kết nối quốc tế của Viettel.
Trước đó, để nâng cao chất lượng, dung lượng Internet, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết: Viettel kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cho sớm đấu thầu băng tần 2.6 GHz để có thể đảm bảo chất lượng dịch vụ 4G bởi với số thuê bao 4G của Viettel hiện nay thì nhà mạng này không còn đủ băng tần phát triển các thuê bao 4G. Việc sử dụng băng tần 1800 MHz mà các doanh nghiệp đang triển khai 4G không đủ để nhà mạng cung cấp 4G chất lượng tốt. Vì vậy, phía Viettel kiến nghị nếu trong trường hợp việc đấu giá 4G chưa thực hiện được thì cho doanh nghiệp mượn băng tần 2.6 GHz và vẫn đóng phí tần số như quy định hiện hành để đảm bảo chất lượng dịch vụ 4G cung cấp cho khách hàng.