Ariane-6 là tên lửa đa năng, đặc biệt hữu dụng trong việc thực hiện các chuyến bay có người lái vào vũ trụ. Theo ông Charmeau, Ariane-6 được chế tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của các nước châu Âu thực hiện các chuyến bay có người lái lên vũ trụ. Hiện tại, châu Âu đang chạy đua về thời gian với Mỹ và Ấn Độ trong lĩnh vực này.
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) dự kiến nối lại các chuyến bay có người lái vào không gian với sự hỗ trợ của tập đoàn Space X từ năm 2019. Ấn Độ cũng đặt mục tiêu thực hiện các chuyến bay tương tự vào năm 2022.
Nhiệm vụ của tập đoàn Ariane Group là chế tạo tên lửa đẩy đa năng và linh hoạt nhằm đáp ứng các yêu cầu khác nhau và có thể thay thế các tên lửa đang được sử dụng hiện tại. Ariane-6 cần thực hiện tất cả nhiệm vụ trên bất kỳ quỹ đạo nào, như phóng vệ tinh với các khối lượng khác nhau từ 50 kg tới hơn 5 tấn.
Tính tới thời điểm hiện tại, dự án Ariane-6 có chi phí 4 tỷ euro, trong đó, 600 triệu euro dành cho xây dựng bãi phóng tại sân bay vũ trụ Kourou trên đảo Guiana (Pháp).
Phiên bản đầu tiên của tên lửa Ariane-6 sẽ được chế tạo vào cuối năm 2018 và chuyến bay đầu tiên được ấn định vào ngày 16/7/2020. Hiện kế hoạch đang diễn ra theo đúng thời hạn dự kiến.
Các nhà nghiên cứu cũng tính đến kế hoạch hiện đại hóa Ariane-6 trong giai đoạn 2025-2030, trong đó Ariane-6 sẽ được trang bị công nghệ hiện đại nhất. Vì vậy, theo thời gian, tên lửa này sẽ được cải tiến rất nhiều.
Theo Figaro, tập đoàn Ariane Group phối hợp với các công ty khởi nghiệp tham gia chế tạo tên lửa này theo ba phương án. Thứ nhất là giảm nhẹ khối lượng bộ khung tên lửa, kết cấu kim loại sẽ được thay thế bằng sợi carbon.
Thứ hai, nghiên cứu động cơ Prometheus mới với chi phí rẻ hơn và có thể sử dụng nhiều lần. Thứ ba, chế tạo thế hệ tên lửa đầu tiên có thể tái sử dụng. Liên quan vấn đề này, các nhà phát triển cần tạo ra công nghệ điều khiển bay khi trở về Trái Đất, trước tiên là phương pháp phanh hiệu quả.