Khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Cẩm Hương, Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học - Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng chia sẻ về xu hướng tất yếu trong chuyển đổi xanh, bền vững và thực hành ESG (bộ ba tiêu chuẩn được sử dụng để đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng). ESG là các tiêu chí được sử dụng để đo lường và đánh giá tính bền vững và tác động xã hội của một doanh nghiệp hoặc tổ chức (Môi trường - Environmental; Xã hội - Social; Quản trị - Governance).
Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Hương, hội thảo góp phần giúp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp cận các chủ trương, chính sách, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, một số giải pháp công nghệ trong chuyển đổi xanh, bền vững phát triển cho doanh nghiệp.
Hội thảo giúp các cơ quan quản lý, các đơn vị, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của ESG và cách tích hợp các yếu tố vào chiến lược phát triển. Điều này giúp doanh nghiệp không chỉ cải thiện hiệu suất mà còn đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường, nhà đầu tư. Các diễn giả, chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, các thực tiễn tốt về việc triển khai ESG trong doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp học hỏi và áp dụng các phương pháp hiệu quả vào hoạt động của mình.
Thông qua các phiên thảo luận và bài trình bày, Ban tổ chức Hội thảo mong muốn, các doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các xu hướng mới; đồng thời là dịp để các bên liên quan gặp gỡ, thảo luận và thiết lập các mối quan hệ hợp tác, góp phần tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp bền vững, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển.
Tại hội thảo, đại diện Khu Công nghiệp Deep C (Hải Phòng) chia sẻ về “Thực hành ESG: chi phí và lợi ích đối với doanh nghiệp”; Trường Đại học Hàng hải Việt Nam chia sẻ về nội dung “Logistics xanh - mắt xích quan trọng cho sự phát triển bền vững”… Các đại biểu cũng tham dự tọa đàm về đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững, thời gian qua, Trung ương, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách, định hướng quan trọng về vấn đề này như: Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030; Quyết định số 1658/QĐ-TTg ký ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 cùng các quyết định quan trọng khác.
Theo ông Võ Xuân Hoài, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, việc thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo trở thành một trong những yếu tố then chốt, giúp các quốc gia đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Với tinh thần đó, sự hợp tác giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, không chỉ chia sẻ kiến thức và công nghệ mà còn thúc đẩy các dự án nghiên cứu và phát triển chung, tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng lớn như chuyển đổi xanh, công nghệ môi trường và năng lượng tái tạo bền vững.
Đây cũng là một trong 9 lĩnh vực trọng tâm mà Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đang phụ trách. Hai bên mong muốn tạo ra những cơ hội hợp tác cụ thể, nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.