Tại hội thảo, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh: Chuyển đổi số đang là xu hướng không thể đảo ngược và đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Dữ liệu trong xã hội thông tin có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong y tế, chuyển đổi số góp vai trò rất lớn trong việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, có thể thấy điều này trong đợt dịch COVID -19 vừa qua. Hoạt động chuyển đổi số, trực tuyến đã góp phần đáng kể triển khai, thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp, hạn chế thiệt hại do đại dịch COVID - 19 gây ra.
Thị trường công nghệ y tế đang bùng nổ trên toàn cầu, được định giá 143,6 tỷ USD vào năm 2019, dự kiến quy mô thị trường sẽ tăng trưởng với tốc độ 16,2% từ năm 2020 đến năm 2027. Tuy nhiên, tại thị trường tiềm năng như Việt Nam, số lượng khởi nghiệp (start - up) trong lĩnh vực công nghệ y tế chiếm chưa đến 2% trong tổng số 4.000 start - up của toàn châu Á. Nguyên nhân không phải là do các doanh nghiệp Việt Nam thiếu năng động, yếu kém về công nghệ mà chủ yếu xuất phát từ việc thiếu cơ hội tiếp cận dữ liệu y tế, dẫn đến hạn chế các cơ hội khởi nghiệp và đầu tư.
Ở góc độ tiếp cận chính sách, việc xây dựng hệ thống quản trị và khai thác dữ liệu y tế không đồng nghĩa với việc vi phạm quyền riêng tư. Kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy, nhu cầu khai thác dữ liệu y tế trên thị trường là rất lớn, nếu như không hợp pháp hóa và có một hành lang pháp lý rõ ràng thì dữ liệu sẽ bị mua bán trái phép, lợi ích tổng thể của chuyển đổi số y tế cũng không đạt được. Cốt lõi của an toàn dữ liệu nằm ở thiết kế và quản trị hệ thống dữ liệu tốt, phân loại, trao quyền và kiểm soát được quyền tiếp cận dữ liệu.
Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (Hội Truyền thông số Việt Nam), Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bỏ lỡ cơ hội quý báu để khai thác giá trị từ chuyển đổi số y tế (xấp xỉ 23 tỷ USD) do thiếu chiến lược toàn diện, khung pháp lý rõ ràng về dữ liệu y tế số. Nếu vẫn theo con đường như hiện nay, lợi ích của chuyển đổi số y tế có lẽ chỉ dừng lại trong giới hạn cải cách thủ tục hành chính, giấy tờ, quản trị cơ sở khám chữa bệnh và phục vụ quản lý hành chính nhà nước... Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia đang có xấp xỉ 100 triệu dân và đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, chi phí cho chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn. Dự đoán, chi phí tiêu dùng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam là 15,6 tỷ USD vào năm 2018 và sẽ tăng lên 42,9 tỷ USD vào năm 2028...
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ thông tin về quản trị dữ liệu trong khu vực công, đánh giá về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực y tế, khía cạnh đạo đức và chính sách trong quản trị dữ liệu – tham chiếu từ khung quản trị dữ liệu của New Zealand. Các đại biểu cũng đề cập đến triển vọng và thách thức trong phát triển sản phẩm giải pháp quản trị dữ liệu y tế, kinh nghiệm quốc tế xây dựng và quản trị dữ liệu y tế…
Các đại biểu đã nêu ra những khuyến nghị để khai thác hiệu quả dữ liệu y tế tốt. Trong đó, các đại biểu khuyến nghị Bộ Y tế cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế thí điểm cơ chế pháp lý và kỹ thuật nhằm khai thác dữ liệu. Ưu tiên ngắn hạn của Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông là tập trung xây dựng chuẩn dữ liệu để phục vụ kết nối và thu thập dữ liệu, làm nền tảng cho phân loại, khai thác, chia sẻ, hướng dẫn và giám sát thực thi về quản trị nhà thầu. Cơ quan chức năng cần ban lành Luật về dữ liệu cá nhân làm nền tảng pháp lý cho việc xác định các quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong tiến trình thu thập, xử lý, khai thác thông tin, dữ liệu liên quan đến cá nhân. Trên cơ sở đó, ngành y tế sẽ ban hành các quy định, tiêu chuẩn riêng cho lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe...