Tổn thất tới 30%
Vừa qua Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (Viện Năng lượng nguyên tử, Bộ KH&CN) đã triển khai chiếu xạ cho 2 tấn vải thiều đầu tiên đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang Australia. Đây là bước tiến lớn trong ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng bảo quản, tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường nước ngoài.
Ông Đặng Quang Thiệu, Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội cho biết: “Trước hết là quả vải, tiếp sau đó là các loại quả khác cũng có thể được bảo quản bằng công nghệ này. Việc chiếu xạ tại trung tâm sẽ giải quyết nhu cầu bảo quản nông sản tại các tỉnh phía Bắc, mà không phải vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh như trước kia”.
Vải được bảo quản bằng công nghệ CAS. |
Mới đây, Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) cũng tiếp nhận và chuyển giao công nghệ CAS (Cells Alive System hay Hệ thống tế bào còn sống) của Nhật Bản áp dụng trong bảo quản các loại nông sản rau quả; tới một số địa phương, cho hiệu quả rõ rệt. Công nghệ này giúp bảo quản nông sản đông lạnh tươi trong thời gian tới 1 - 2 năm, thậm chí là 10 năm; sau khi rã đông sản phẩm vẫn giữ nguyên được chất lượng gần như ban đầu, đồng thời diệt trừ được vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh trên nông sản.
TS Phạm Anh Tuấn, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch: Khi đưa các công nghệ bảo quản nông sản mới vào triển khai ứng dụng cần có lộ trình phù hợp với từng địa phương, việc đổi mới công nghệ phải thực sự bài bản và phải tính đến sự phù hợp, khả thi. Không thể áp dụng một cách máy móc, ồ ạt mà thiếu phương án đưa công nghệ theo từng giai đoạn. Không thể để tình trạng có rất nhiều công nghệ bảo quản nhưng chúng ta vẫn loay hoay không tìm được công nghệ áp dụng có hiệu quả. |
Theo Bộ KH&CN, Việt Nam đang áp dụng một số công nghệ bảo quản nông sản chủ yếu như: Công nghệ chiếu xạ, công nghệ CAS, công nghệ bao gói khí điều biến (MAP), công nghệ bảo quản bằng chế phẩm tạo màng phủ... Tuy nhiên những công nghệ hiện đại này mới chỉ là số ít và thực hiện lẻ tẻ tại một số địa phương. Phần lớn việc bảo quản nông sản sau thu hoạch tại các địa phương vẫn còn lạc hậu, chủ yếu bằng biện pháp thủ công, gây ra nhiều thất thoát, chất lượng bị giảm sút. Thống kê của Viện Cơ điện và công nghệ sau thu hoạch cho thấy, tổn thất sau thu hoạch còn rất cao, đối với các loại quả lên tới hơn 25%, với các loại rau là hơn 30%... Tình trạng bảo quản không theo kịp khả năng sản xuất này khiến người nông dân cứ được mùa lại “méo mặt” vì mất giá, phải “bán tháo”.
Một số công nghệ bảo quản hiện đại đang được triển khai tại một số địa phương nhưng hiệu quả thấp, vì mới chỉ đáp ứng được một phần, chưa mở rộng được quy mô. Đơn cử như việc hiện nay cả nước mới chỉ có 2 trung tâm có thể chiếu xạ nông sản xuất khẩu tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Các doanh nghiệp sau khi thu mua nông sản tại các địa phương lại phải vận chuyển tới các địa điểm này mới có thể được bảo quản; gây những thất thoát, hư hại; đồng thời chi phí không hề nhỏ.
Ông Đàm Quang Thắng,Tổng giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam cho biết: “Nếu phải vận chuyển quả vải từ các tỉnh phía Bắc vào TP Hồ Chí Minh để chiếu xạ, chi phí lên tới 20.000 đồng/kg; trong khi đó thời gian vận chuyển khoảng chỉ nửa ngày cũng ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng”.
Chật vật đầu tư công nghệ
Theo các chuyên gia, việc chuyển giao các công nghệ bảo quản tại các địa phương còn “chật vật” do giá thành cao. Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được hoặc vẫn thờ ơ không muốn đầu tư cho công nghệ bảo quản.
PGS. TS Trần Ngọc Lân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng, Bộ KH&CN nói: “Dù chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ, công thức bảo quản sản phẩm cho các doanh nghiệp có nhu cầu, nhưng quả thật có quá ít doanh nghiệp mặn mà. Không phải họ không thích công nghệ mới, mà là e ngại về khả năng hồi vốn. Bởi các công nghệ cho việc bảo quản có giá thành tương đối cao, trong khi đó việc sản xuất nông sản lại mang tính mùa vụ, thời gian thu hoạch ngắn nên các doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư. Đơn cử như việc ứng dụng công nghệ CAS muốn đưa vào triển khai đòi hỏi sự đầu tư dây chuyền sản xuất ban đầu không nhỏ, trong khi chúng ta vẫn còn thiếu sự đồng bộ của các cơ sở vật chất phụ trợ. Với chi phí đầu tư ban đầu cho công nghệ này rất cao, khoảng 30 tỷ đồng. Chưa kể, nếu mất điện thì toàn bộ quy trình này sẽ bị hỏng, nên để đảm bảo nguồn cung ứng điện, doanh nghiệp buộc phải mua máy phát dự phòng, khiến số tiền đầu tư cho dây chuyền công nghệ này càng tăng lên. Nhiều doanh nghiệp đã thể hiện sự quan tâm nhưng vẫn rất rụt rè”.
“Các công nghệ muốn được ứng dụng hiệu quả rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Cần có những giải pháp tăng cường hỗ trợ kinh phí, chuyển giao để các công nghệ bảo quản được nhân rộng tới các địa phương, tới người dân, doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang đề xuất.