Ông đánh giá thế nào về việc đáp ứng công nghệ trong bảo quản nông sản thời gian qua?
Chúng ta đã triển khai áp dụng nhiều công nghệ để bảo quản cá ngừ, tôm, cá… đảm bảo được chất lượng phục vụ cho xuất khẩu. Riêng quả vải đã được áp dụng nhiều công nghệ bảo quản bằng màng, bảo quản theo công nghệ CAS, cấp đông nhanh và đến nay là chiếu xạ… Thực ra, vấn đề công nghệ trong chế biến và bảo quản sản phẩm nông sản nói chung không phải là bài toán quá khó, quan trọng nhất là việc triển khai làm sao để có hiệu quả cao.
Bộ KH&CN có những hỗ trợ gì để giải quyết những khó khăn trong triển khai ứng dụng công nghệ bảo quản nông sản tại các địa phương hiện nay?
Bộ KH&CN đang tăng cường tiếp nhận và làm chủ, tiến tới chuyển giao các công nghệ bảo quản hiện đại từ các nước, nhằm hướng tới ứng dụng rộng rãi tại các địa phương, nâng cao giá trị nông sản.
Để hỗ trợ các địa phương, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản trong nước tiếp cận và đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ trong bảo quản nông sản, hiện nay đã có một số chính sách về KH&CN, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ hoàn toàn chi phí chuyển giao công nghệ, đồng thời được vay tiền với lãi suất thấp để đầu tư vào các công nghệ mới.
Với các công nghệ mới, giá thành cao, nếu chúng ta tăng cường nghiên cứu, nội địa hóa được các thiết bị, làm chủ được một số khâu trong quy trình bảo quản sau thu hoạch như cấp đông nhanh, lưu trữ bảo quản lạnh… thì cũng sẽ giảm được chi phí rất lớn trong nhập khẩu dây chuyền công nghệ.
Bộ KH&CN cũng đã trình Chính phủ ban hành nhiều Chương trình KHCN nhằm hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ vào các khâu trong quá trình sản xuất, trong đó có ứng dụng công nghệ sau thu hoạch như: Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Chương trình đổi mới công nghệ đến năm 2020; Chương trình tìm kiếm chuyển giao công nghệ từ nước ngoài đến năm 2020; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia… Đây là các Chương trình hỗ trợ trực tiếp cho các dự án ứng dụng, hoàn thiện và đổi mới công nghệ trong đó sẽ tập trung ưu tiên cho các doanh nghiệp.
Kế hoạch của Bộ KH&CN trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch thời gian tới là gì, thưa ông?
Bộ KH&CN và các địa phương đang tiếp tục có nghiên cứu, cải tiến và đưa ra các tiến bộ kỹ thuật trong bảo quản và chế biến cho phù hợp với từng quy mô và từng vùng miền. Để làm được điều này đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả chính quyền địa phương và người dân, để hoạch định được chiến lược phát triển sản phẩm và vận hành các công nghệ được bảo đảm mang lại hiệu quả kinh tế.
Bộ sẽ phối hợp với các địa phương về đẩy mạnh các dự án ứng dụng công nghệ mới như: Công nghệ bảo quản CAS; công nghệ chiếu xạ; đặc biệt là nghiên cứu, triển khai công nghệ bảo quản của Israel đối với quả vải thiều phục vụ xuất khẩu sang Mỹ, Úc vào năm 2017… Bên cạnh đó, bộ cũng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đưa vào ứng dụng các công nghệ bảo quản hiện đại, không chỉ với trái cây, rau củ; mà còn các mặt hàng nông sản khác như thủy, hải sản, cà phê... để nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu được sang các thị trường “khó tính” ở nước ngoài, nhằm giúp nông sản Việt ngày càng vươn ra thế giới.