Ngày 28/12, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020. Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, bước vào năm 2020, sự kiện viễn thông lớn nhất thế giới sẽ diễn ra ở Việt Nam, với sự tham gia của trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhưng sự thay đổi lớn nhất là, sau gần 50 năm, sự kiện này thay đổi về nội hàm, chuyển từ triển lãm viễn thông thế giới thành triển làm số thế giới. Chủ đề này là theo đề xuất của Việt Nam.
“Chuyển đổi số có thể nhanh hơn, nếu như phát triển các nền tảng, một platform (là nền tảng, là các phương tiện hỗ trợ các lập trình viên trong quá trình triển khai, thiết lập các sản phẩm website, ứng dụng di động) cho cả triệu người. Tắt sóng 2G không chỉ tiết kiệm chi phí khai thác, chi phí tần số cho nhà mạng, mà còn đưa 100% dân số lên điện thoại thông minh, sẵn sàng trở thành công dân số. Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam có thể được các doanh nghiệp Việt Nam hoàn thành trong năm 2020. Năm 2020 sẽ là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động mạnh mẽ để tiến tới một Việt Nam số. Đây sẽ là sự chuyển đổi sâu sắc và toàn diện, mà đầu tiên là sự chuyển đổi về phương thức, qui trình vận hành, về cách làm việc trong mọi lĩnh vực. Công nghệ số sẽ là công cụ tốt nhất để giúp thực hiện công cuộc chuyển đổi to lớn này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Những sự kiện năm 2019 của ngành Công nghiệp thông tin – truyền thông (CNTT-TT) đã truyền đi những thông điệp mạnh mẽ, định hướng cho một giai đoạn mới. Trong đó, bộ mã bưu chính đến địa chỉ và khả năng giao hàng đến gần 24 triệu hộ gia đình Việt Nam là thông điệp về một hệ thống bán lẻ tới gia đình. Mạng lưới bưu chính chuyển phát sâu rộng, đảm bảo dòng chảy vật chất của các giao dịch thương mại điện tử.
Năm 2019, một số doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đã thử nghiệm 5G và tuyên bố Việt Nam sẽ đi cùng nhịp với thế giới về công nghệ, không còn độ trễ 7 năm, 8 năm như đối với 3G, 4G.
Tháng 4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quy hoạch báo chí, truyền đi một thông điệp mạnh mẽ: Các cơ quan chủ quản báo chí phải quản lý cơ quan báo chí của mình hoạt động theo tôn chỉ, mục đích. Buông lỏng quản lý là nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề của báo chí trong thời gian qua. Đồng thời, diễn đàn “Báo chí và công nghệ” tháng 11/2019 là thông điệp: Cơ quan quản lý Nhà nước không chỉ quản lý, mà còn tạo điều kiện cho báo chí phát triển, tìm cách chuyển đổi số, đưa công nghệ vào làm báo, hỗ trợ các báo kết nối với nhà mạng với chi phí thấp nhất, đề xuất Chính phủ có thêm ngân sách, để các bộ, ban, ngành, các địa phương đặt hàng các nhiệm cụ chính trị cho báo chí.
“Việc chính thức tuyên bố sự vi phạm pháp luật của một số mạng xã hội nước ngoài, của một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới là thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam. Theo đó, bất kỳ doanh nghiệp nào, dù trong hay ngoài nước, nếu làm ăn tại Việt Nam đều phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền, trên mọi không gian, trong đó có không gian mạng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ TT&TT, tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) năm 2019 ước đạt hơn 112,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu công nghiệp ICT đạt 91,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018, chiếm 81,5 % tổng doanh thu. Bên cạnh đó, doanh thu công nghiệp phần mềm đạt 5 tỷ USD, tăng 500 triệu USD so với năm 2018. Tổng số tiền nộp ngân sách Nhà nước từ công nghiệp ICT năm 2019 là 54.000 tỷ đồng, tăng 2000 tỷ so với năm 2018.
Đối với ngành công nghiệp nội dung số, hiện doanh thu ngành công nghiệp nội dung số chiếm một phần rất nhỏ trong doanh thu ngành CNTT (chiếm 0,76% doanh thu ngành CNTT), trong đó chủ yếu xuất phát từ thị trường xuất khẩu (chiếm doanh thu xuất khẩu chiếm 93%). Hiện, doanh nghiệp nội dung số Việt Nam chưa khai thác được thị trường nội địa, thị trường này đang bị chiếm lĩnh bởi các doanh nghiệp nền tảng xuyên biên giới lớn như Google, Facebook...