Hội thảo có sự tham dự của các Sở, ngành liên quan, chuyên gia, đại diện các hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân đang trồng và chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn.
Thái Nguyên có diện tích chè lớn nhất cả nước với 22.649 ha, giá trị sản phẩm chè qua chế biến đạt trên 10.400 tỷ đồng. Đến nay, ngành chức năng đã cấp 12 nhãn hiệu cho sản phẩm chè, trong đó có một chỉ dẫn địa lý, 2 nhãn hiệu chứng nhận và 9 nhãn hiệu tập thể; đặc biệt, Nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên được bảo hộ thành công tại Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc); Chỉ dẫn địa lý Tân Cương được công nhận bảo hộ tại Liên minh châu Âu; Tri thức dân gian trồng và chế biến chè Tân Cương được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia.
Theo ông Đinh Bộ Sơn, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên, những năm qua tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, trong đó có các sản phẩm chè đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống của chè Thái Nguyên. Qua đó, nâng cao giá trị, uy tín, sức cạnh tranh của chè Thái Nguyên trên thị trường, gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm chè từ 1,5- 2 lần so với trước khi được bảo hộ, góp phần mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tăng thu nhập cho người trồng chè, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái sản phẩm chè Thái Nguyên.
Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế, chính sách về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm chè Thái Nguyên cũng còn nhiều hạn chế. Tỉnh chưa xây dựng được hệ thống kiểm soát chất lượng đảm bảo cho sản phẩm do chè được trồng và sản xuất với quy mô nhỏ lẻ; nguồn giống cây trồng thiếu kiểm soát; quy trình sản xuất còn dựa chủ yếu vào kinh nghiệm, tập quán, chưa ứng dụng nhiều khoa học công nghệ tiên tiến.
Việc xác định chất lượng, đặc thù các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể chủ yếu được xác định chất lượng bằng màu sắc, hình dáng, mùi vị… và dựa vào cảm quan nên khó định lượng để đề ra tiêu chuẩn chung, gây ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm. Hiện nay, một số thương hiệu cho sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh như Chỉ dẫn địa lý Tân Cương, Nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên… vẫn bị nhái, bày bán sẵn tại các chợ, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đánh giá, Thái Nguyên được mệnh danh là vùng đất “đệ nhất danh trà” nhưng từ năm 2006 tới nay mới chỉ có một Chỉ dẫn địa lý Tân Cương và 11 nhãn hiệu tập thể cho cây chè là quá ít, trong khi đó tỉnh có 173 sản phẩm OCOP thì có tới 121 sản phẩm chè được đánh giá, phân hạng từ 3-5 sao. Do đó, tỉnh cần chú trọng hơn nữa cơ chế, chính sách, đầu tư hơn nữa cho sở hữu trí tuệ đối với chè và xem xét đưa các sản phẩm OCOP vào Dự án phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2022- 2030 để hỗ trợ người trồng, chế biến chè. Tỉnh cũng cần xây dựng bộ nhận diện chè Thái Nguyên bằng công nghệ số để độc quyền cấp cho người dân nhằm truy xuất nguồn gốc, xác nhận chính xác sản phẩm khi tiêu thụ trên thị trường, tránh hàng giả, hàng nhái… gây ảnh hưởng tới thương hiệu chè Thái Nguyên, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã trồng, chế biến chè trên địa bàn tỉnh đã thảo luận các nội dung như: Những khó khăn, thách thức trong phát triển các sản phẩm chè đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm chè Thái Nguyên; vai trò của các cơ quan nhà nước, hội nghề nghiệp, nhà khoa học trong hoàn thiện hệ thống chính sách của tỉnh trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ… góp phần thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao giá trị, thương hiệu chè Thái Nguyên.