Đây là sự khẳng định đối với chất lượng chè Thái Nguyên, là tiền đề, cơ hội rất tốt để vươn ra thị trường thế giới.
Thái Nguyên là tỉnh có diện tích chè lớn nhất cả nước và chè là cây trồng chủ lực của tỉnh góp phần làm giàu cho nhân dân. Nhưng, sản phẩm Trà Thái Nguyên hiện vẫn chủ yếu tiêu thụ nội địa, xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 20% nên chưa tương xứng với tiềm năng.
Tổng diện tích chè toàn tỉnh hiện khoảng 22.649 ha, sản lượng đạt 244.502 tấn. Giá trị sản xuất chè trong năm 2020 đạt 5.580 tỷ đồng, chiếm 44,3% tổng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt. Giá trị sản phẩm thu được bình quân trên 1 ha chè đạt 270 triệu đồng/ha. Thị trường trong nước đang là thế mạnh của chè Thái Nguyên, đạt gần 40.000 tấn, với giá tiêu thụ trong nước luôn cao hơn các vùng chè khác và tương đối ổn định, hiện đang ở mức từ 120.000 - 220.000 đồng/kg chè thành phẩm loại trung bình; từ 280.000 - 450.000 đồng/kg chè xanh đặc sản; chè đặc sản cao cấp có giá từ 2.500.000 - 3.000.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá chè xuất khẩu rất thấp, dao động từ 1,7 - 2 USD/kg, hầu hết là nguyên liệu thô. Thị trường xuất khẩu của chè Thái Nguyên chủ yếu là: Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc), Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Afganistan, Indonesia… với sản lượng xuất khẩu hơn 5.800 tấn.
Theo Hội chè Thái Nguyên, xuất khẩu chè Thái Nguyên trong 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt trên 700 tấn chè búp khô, xuất khẩu chè xanh chất lượng cao có xu hướng tăng đối với các thị trường khó tính như: Ba Lan, Đức, Mỹ, Nhật Bản.
Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên cho hay, Trà Thái Nguyên nổi tiếng thơm ngon, thời gian gần đây người sản xuất chè cũng rất chú trọng vào mẫu mã, đa dạng sản phẩm từ trà thông thường đến trà cao cấp như: trà đinh, trà matcha, bánh kẹo từ cây chè,… Nhưng, ở tầm nhìn xa thì Trà Thái Nguyên không nên bằng lòng với thị trường trong nước mà phải hướng đến thị trường xuất khẩu; hướng tới các thị trường khó tính như: Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản,…mới có thể phát triển bền vững, nâng được giá trị, thu nhập.
Hiện nay, chè Thái Nguyên xuất khẩu đang có hai dòng sản phẩm, một là xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô với giá thành rất thấp, khoảng từ 1,5- 2 USD/kg. Hai là một số doanh nghiệp đã vươn tới các thị trường khó tính, xuất khẩu các sản phẩm trà cao cấp với giá trên 10 USD/kg, thậm chí lên tới 100 USD/kg, nhưng cũng chỉ khoảng vài trăm tấn.
Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên lý giải thêm, tiềm năng chè Thái Nguyên phục vụ cho xuất khẩu rất lớn, vì địa phương có các vùng chè tập trung chất lượng cao. Đồng thời, tỉnh cũng đã có rất nhiều chính sách phát triển cây chè, từ đầu vào đến xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu…
Nhưng yêu cầu quan trọng nhất của thị trường quốc tế hiện nay là việc truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng để họ quản lý, giám sát từ xa sản phẩm,… thì đa số vùng chè Thái Nguyên hiện nay chưa có. Vì vậy, khó có thể xác định được tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm theo tiêu chuẩn là hữu cơ, hay VietGAP. Hoặc, trồng ở đâu, giống gì, vật tư đầu vào ra sao, quá trình chăm sóc như thế nào … và vì thế, chưa thể phục vụ xuất khẩu.
Ngoài ra, về mặt chế biến sản phẩm, chè Thái Nguyên chưa có quy chuẩn để ràng buộc người sản xuất quy mô nhỏ về các thông số kỹ thuật, về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đa phần chè Thái Nguyên hiện đang được sản xuất với quy mô nông hộ, thiếu liên kết với doanh nghiệp,... Từ đó, tạo ra chất lượng chè không đồng đều, sản phẩm cung ứng cho thị trường quốc tế không đáp ứng cả số lượng và chất lượng.
Hiện tại, tỉnh Thái Nguyên đã giao cho Hội chè Thái Nguyên xây dựng dự án “Ứng dụng công nghệ số để quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc, thương mại sản phẩm chè Thái Nguyên” theo công nghệ Blockchain.
Ông Dương Văn Lượng cho hay, hiện Thái Nguyên có 1 thương hiệu chè địa phương dưới hình thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý và 7 thương hiệu dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tăng cường quản lý và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là trong trồng và chế biến sản phầm từ cây chè.
Cùng đó, quảng bá sản phẩm trà ra thị trường quốc tế, quản lý chất lượng cây chè, tạo niềm tin cho quốc tế đối với sản phẩm Trà Thái Nguyên. Đồng thời, thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào trồng chè, chế biến tạo các sản phẩm trà chất lượng cao, đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường quốc tế.