Theo hãng tin Reuters, trong một thử nghiệm của đại học Copenhagen, người chơi sẽ đeo một chiếc kính thực tế ảo đóng vai một người cao tuổi đang tìm cách đi qua quảng trường thành phố đông người. Những nhân vật mặc quần áo màu đỏ thể hiện bị nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi những nhân vật màu xanh thể hiện người đã được tiêm vaccine.
“Trò chơi này rất thú vị. Nó sẽ đem đến cảm giác như bạn thực sự ở đó vậy”, Adam – một người chơi đã bị mắc COVID-19 trong game lúc chơi thử tại một công viên ở Copenhagen. Adam đã quyết định tiêm phòng COVID-19.
“Từ những nghiên cứu tương tự trước đó, sau khi người chơi tự trải nghiệm chương trình thực tế ảo như thế này, ý định tiêm vaccine của họ càng được thôi thúc”, Robert Bohm – Giáo sư khoa tâm lý học tại Đại học Copenhagen – lý giải.
Sáng kiến này sẽ được triển khai tại các phòng khám của các bác sĩ hay các cơ sở y tế.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính tiêm vaccine có thể ngăn ngừa từ 4 triệu đến 5 triệu ca tử vong mỗi năm.
Theo kết quả khảo sát của EU Eurofound thực hiện từ tháng 2 cho đến tháng 3/2021, trên 1/4 người trưởng thành ở Liên minh châu Âu cho biết họ không muốn tiêm vaccine ngừa COVID-19.