Để chuẩn bị cho việc cấp “hộ chiếu vaccine”, Chính phủ Nhật Bản đã lập nhóm công tác bao gồm các quan chức của các bộ ngoại giao và y tế. Dưới sự chủ trì của Chánh Văn phòng Nội các Katsunobu Kato, hiện nay, nhóm công tác đang cân nhắc những nội dung đưa vào giấy chứng nhận này như thời gian tiêm phòng và vaccine do hãng nào sản xuất.
Trong thời gian đầu, “hộ chiếu vaccine” có thể sẽ được cấp dưới dạng giấy tờ. Tuy nhiên, trong tương lai, chứng nhận này có thể được cấp dưới dạng ứng dụng trên điện thoại di động. Theo hãng tin Jiji Press, nếu chính phủ quyết định cấp giấy chứng nhận tiêm phòng, Nhật Bản sẽ đàm phán với các nước khác về việc liệu các công dân nước này có giấy chứng nhận tiêm phòng có được miễn trừ cách ly sau khi nhập cảnh hay không và biện pháp của Nhật Bản với các du khách có các giấy chứng nhận tương tự.
Trong diễn biến liên quan, dù Nhật Bản bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng cho người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) từ ngày 12/4 nhưng cho tới ngày 6/6, mới có 7.747.259 người, chiếm 21,8% trong tổng số người cao tuổi ở nước này, được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19. Trong số này, số người cao tuổi được tiêm đủ 2 mũi là 852.845, chiếm 2,4%. Tính theo địa phương, tỉnh Wakayama có tỷ lệ người cao tuổi được tiêm vaccine cao nhất, với 35,8% được tiêm ít nhất 1 mũi. Các tỉnh Okayama và Saga đứng ở vị trí thứ 2 với tỷ lệ 34,5%. Tỷ lệ này ở Tokyo, Osaka và Aichi tương ứng là 24,8%, 19,2% và 26,1%.
Trong những ngày gần đây, tình hình dịch COVID-19 ở Nhật Bản đang có dấu hiệu lắng dịu. Ngày 7/6, Nhật Bản ghi nhận thêm 1.275 ca nhiễm mới và 75 ca tử vong vì dịch COVID-19. Số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch cũng giảm 11 người so với ngày trước đó xuống còn 1.120. Đáng chú ý, số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo cũng giảm mạnh, còn 235 ca, thấp hơn mức bình quân 422,9 ca/ngày trong tuần trước đó.