Ứng dụng gây tranh cãi
Ứng dụng Zao gây tranh cãi vì nó cho phép người dùng tải lên ảnh của mình và chèn mặt mình vào ảnh, video của người nổi tiếng hoặc bất kỳ ai. Khả năng của ứng dụng này gây lo ngại vì người ta có thể chỉnh sửa video để phát tán tin giả.
Theo kênh CNBC, tờ Beijing News đã đăng một bài viết có đoạn: “Tương lai đã tới, trí tuệ nhân tạo không chỉ là bài kiểm tra với phát triển công nghệ mà còn là bài kiểm tra cho công tác quản lý. Ngay bây giờ, rất khó để xác định xem ứng dụng này thu thập dữ liệu mặt người có ý đồ gì xấu không, nhưng lo ngại của công dân mạng là có thể hiểu được”.
Ứng dụng Zao đã nhanh chóng thể hiện quyền lực của deepfake và ảnh hưởng trên mạng xã hội. Deepfake là khả năng chỉnh sửa video hoặc hình ảnh kỹ thuật số với sự hỗ trợ của máy tính và phần mềm machine-learning (học máy), khiến chúng trông như thật. Nhiều người ngày càng lo ngại về sức ảnh hưởng của những nội dung giả mạo này.
Trong trường hợp Zao, những video giả mà người dùng tạo ra bằng ứng dụng đó lan truyền như vũ bão đã khiến ứng dụng nhắn tin WeChat cấm người dùng chia sẻ nội dung tạo ra từ Zao. Zao đã phải sửa đổi chính sách quyền riêng tư trong vòng vài ngày sau khi ra mắt ứng dụng và bị phản ứng mạnh mẽ từ người dùng.
Mối nguy hiểm của xác thực sinh trắc
Giới chức Trung Quốc cảm thấy cần phải có quan điểm cứng rắn hơn với công nghệ nhận diện khuôn mặt. Nói về trường hợp ứng dụng Zao, Bộ Công nghệ thông tin và Công nghiệp Trung Quốc nói rằng cần tăng cường đánh giá an ninh của công nghệ mới và các doanh nghiệp mới, đồng thời bảo vệ người dân trước các mối nguy hiểm tiềm ẩn và gian lận trên mạng.
Xem video về tráo khuôn mặt qua ứng dụng Zao (Nguồn: Twitter Alla Xia):
Ứng dụng của Zao có thể khiến giới chức Trung Quốc kiểm soát chặt hơn vấn đề an ninh nhận diện khuôn mặt. Bấy lâu nay, việc trì hoãn thực hiện các quy định kiểm soát đã khiến các công ty công nghệ nở rộ.
Zao cũng ý thức được mối nguy hiểm đó khi nói trong một thông báo trực tuyến ngày 3/9: Một trong số những mối nguy hiểm hoàn toàn có thể xảy ra là công nghệ đổi mặt có thể được sử dụng để thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt.
Mới mùa hè này, ông Li Wei, Giám đốc Bộ phận Công nghệ và Khoa học tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cảnh báo người tiêu dùng về các mối đe dọa mới mà trí tuệ nhân tạo và công nghệ nhận diện khuôn mặt gây ra.
Ông Li Wei nói: “Thẻ ngân hàng có thể vẫn nằm trong túi, nhưng khuôn mặt thường không giấu được, việc nhận diện rất dễ dàng. Công nghệ hiện nay có thể nhận ra mặt bạn từ cách đó 3km”. Ông cảnh báo các công ty không lạm dụng khả năng công nghệ này.
Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng dữ liệu nhận diện khuôn mặt có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với các nền tảng khác. Ông Martin Chorzempa, thành viên nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nói: “Nếu mật khẩu của bạn bị lộ, bạn có thể đổi mật khẩu. Nếu tình huống đó xảy ra với khuôn mặt hoặc dấu vân tay, ảnh hưởng có thể kéo dài lâu hơn. Bạn không thể đổi dấu vân tay hay khuôn mặt như đổi mật khẩu”. Do đó, với người dùng, sử dụng phương pháp xác thực sinh trắc học có thể nguy hiểm hơn là mật khẩu truyền thống.
Ngày càng có lo ngại về việc dữ liệu sinh trắc học được thu thập một cách quá dễ dàng. Trong thực tế, một trong những hệ thống thanh toán trực tuyến phổ biến nhất Trung Quốc đã giải quyết lo ngại này ngay lập tức. Alipay, hệ thống thanh toán của công ty Ant Financial thuộc tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, ngày 31/8 từng nói rằng thanh toán dựa trên nhận diện khuôn mặt cần một gương mặt ba chiều. Phần mềm và phần cứng sẽ phát hiện liệu khuôn mặt đó có phải là hình ảnh trong một bức ảnh, video hay mô phỏng không.
Alipay cho biết các biện pháp an ninh bổ sung như xác thực qua số điện thoại cũng cần thiết trước khi thanh toán và đảm bảo với khách hàng rằng Alipay sẽ chịu chi phí trong trường hợp xảy ra giả mạo để thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt.
Quyền riêng tư và sự thuận tiện
Theo ông Ziyang Fan, Giám đốc thương mại kỹ thuật số tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, phản ứng nhanh chóng của Zao trước sự giận dữ của dư luận là hiếm. Ông nói: “Chúng tôi có thể hy vọng cả người dùng và các công ty ở Trung Quốc có thể ý thức hơn về quyền riêng tư dữ liệu trong tương lai”.
Sự phản ứng của dư luận cho thấy khái niệm quyền riêng tư dữ liệu đang hình thành ở Trung Quốc và ngày càng nhiều người dùng không muốn đánh đổi quyền riêng tư lấy sự thuận tiện hoặc giải trí. Đây là sự thay đổi đáng kể vì công dân mạng Trung Quốc vốn chấp nhận từ bỏ quyền riêng tư dữ liệu để đổi lấy sự thuận tiện.
Tại Trung Quốc, chính phủ thường để để các công ty xây dựng, phát triển sản phẩm mới rồi mới đưa ra quy định quản lý.
Ở các nước khác, quy trình này không như vậy. Một số thành phố lớn ở Mỹ đã cấm dùng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Hồi tháng 3, Missouri đã đưa ra Đạo luật Riêng tư Nhận diện khuôn mặt thương mại 2019. Động thái này được một số người coi là dấu hiệu cho thấy Chính phủ Mỹ sẵn sàng cân nhắc cấm toàn quốc công nghệ nhận diện khuôn mặt.