Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đánh giá cao những nỗ lực của các tỉnh, thành phố phía Nam đạt được trong triển khai Quyết định số 392/QĐ-TTg, cũng như nhìn nhận những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, qua đó giúp Bộ đúc kết những cơ sở thực tiễn xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh những nội dung cần trao đổi về tình hình triển khai, đóng góp của công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông trong phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương; những khó khăn, hạn chế, tồn tại và các giải pháp tháo gỡ. Các địa phương trong khu vực cần đề xuất những mục tiêu, giải pháp cụ thể phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông trong thời gian tới, đặc biệt là đánh giá vai trò công tác quản lý nhà nước của các Sở Thông tin và Truyền thông trên lĩnh vực phát triển công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Tuyên cho biết: Thời gian qua, Quyết định 392/QĐ-TTg về Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2020 và tầm nhìn 2025 trên phạm vi cả nước, trong đó có khu vực phía Nam đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Nếu năm 2014, trên cả nước chỉ có 24 địa phương có phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, thì đến năm 2019 đã có trên 40 tỉnh, thành phố có phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông. Trong số đó, có 30 địa phương đạt doanh thu mỗi năm trên 200 tỉ đồng, 7 địa phương có doanh thu trên 20.000 tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông giai đoạn 2015 – 2019 tăng bình quân 26,1%/năm, thu hút 1 triệu lao động, nộp ngân sách Nhà nước 53 nghìn tỉ đồng.
Đặc biệt, từ năm 2015 trở đi, công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông đã vươn lên trở thành ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam và thế giới. Cả nước thành lập được 4 khu công nghệ thông tin tập trung, trong đó có 3 khu đang hoạt động là: Công viên phần mềm Quang Trung, Công viên phần mềm Đà Nẵng, Khu công nghệ thông tin Cầu Giấy; tỷ lệ lấp đầy đạt 95%. Một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông một cách bài bản, hệ thống trên cơ sở Quyết định 392/QĐ-TTg.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương tập trung vào việc thu hút FDI, thành lập nhà máy, doanh nghiệp phần cứng, điện tử, viễn thông, nhưng chưa có kế hoạch, chương trình phát triển công nghiệp hoàn chỉnh. Cả nước còn trên 20 địa phương chưa ban hành kế hoạch, đề án, dự án phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn, mà lồng ghép các nội dung về phát triển công nghệ thông tin trong các kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin hàng năm. Ngoài ra, một số tồn tại, hạn chế khác như: Có nội dung triển khai nhận được rất ít sự hỗ trợ từ Trung ương trên các lĩnh vực xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư. Tất cả các dự án thuộc Chương trình đều chưa được phân bổ kinh phí để triển khai, chưa thu hút được sự quan tâm, tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp…
Trên cơ sở những thành tựu đạt được cũng như đánh giá những khó khăn, tồn tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mục tiêu nhằm xây dựng ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông Việt Nam trở thành một trong những ngành kinh tế lớn, có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững; dựa trên những thành tựu mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, làm động lực thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước. Trong đó, chú trọng phát triển mạnh kinh tế số, chuyển đổi số các hoạt động kinh tế - xã hội, xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng; phấn đấu đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng về doanh thu gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP, duy trì vị trí dẫn đầu các ngành hàng có giá trị hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam. Về doanh nghiệp, có 50.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin, 10 doanh nghiệp lớn có năng lực cạnh tranh quốc tế với quy mô trên 1 tỷ USD. Đối với công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, doanh nghiệp trong nước làm chủ công nghệ, cung cấp được 90% các loại sản phẩm, giải pháp phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, sản phẩm và dịch vụ an toàn thông tin…