Những dấu ấn tự hào
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, đã có hơn 1,3 tỷ USD được ghi nhận đầu tư cho các DNKNST Việt Nam, cao nhất từ trước tới nay. Sự tham gia của các chủ thể ngày càng tích cực và đã có sự tăng trưởng tốt về số lượng. Cụ thể, hiện có hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 202 khu làm việc chung, 217 quỹ đầu tư/nhà đầu tư; 79 cơ sở ươm tạo; 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh…
Bên cạnh đó, cả nước cũng đã có trên 140 trường đại học, cao đẳng tổ chức hoạt động KNST. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng tham gia vào hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, với vai trò là nhà đầu tư tài chính giúp DNKHST mở rộng thị trường; đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chuyên môn trong ngành, như: Vingroup, Nexttech, FPT, CMC…
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng cho rằng, một trong những điểm nổi bật của Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam là đã từng bước hình thành các mạng lưới liên kết, thúc đẩy dòng chảy của tri thức, của công nghệ trong và ngoài nước. “Chúng ta đã thiết lập được Mạng lưới hỗ trợ và phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ. Đây là những tiền đề quan trọng để mở rộng Hệ sinh thái KNST quốc gia, để kết nối ngày càng hữu cơ hơn, hiệu quả hơn với các hệ sinh thái KNST khác trong khu vực và thế giới”, Bộ trưởng cho biết.
Cũng tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nhận nhấn mạnh về việc thay đổi để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 đã trở thành điều kiện tất yếu của cuộc sống trong trạng thái bình thường mới. Trong bối cảnh đó, một mặt, Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo cung cấp những giải pháp mới, công cụ hiệu quả cho việc phòng và chống đại dịch, mặt khác ứng dụng mạnh mẽ vào cuộc sống để kiến tạo và phát triển môi trường “bình thường mới”. Trong nguy có cơ, chính bối cảnh đại dịch cũng là cơ hội để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong từng ngành, từng lĩnh vực.
Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam xếp hạng 59/100 quốc gia. Hệ sinh thái Thành phố Hồ Chí Minh tăng 46 bậc, xếp vị trí 179; Hà Nội tăng 5 bậc lên vị trí 191 Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá xếp thứ 3 trong nhóm 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore.
Khẳng định, chuỗi sự kiện Techfest cũng đã có nhiều thay đổi kịp thời để thích ứng, theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, hầu hết các sự kiện đã được tổ chức với phương thức kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp, qua đó đã thu hút hàng trăm nghìn lượt tương tác và theo dõi, gấp hàng chục lần so với cách tổ chức trực tiếp. Hệ thống kết nối đầu tư, triển lãm, trưng bày sản phẩm/dịch vụ cũng đã được triển khai theo cơ chế xã hội hóa trên cơ sở phối hợp với các đơn vị tư nhân trong hệ sinh thái, qua đó thu hút được đông đảo cộng đồng tham gia.
Là thời điểm để tăng tốc
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều thành tựu đã đạt được, nhiều khó khăn đã vượt qua, Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã đi được chặng đường 5 năm từ khi Đề án Hỗ trợ Hệ sinh thái KNST quốc gia được ban hành. Đây là thời điểm để tăng tốc, đẩy mạnh liên kết các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm tạo ra động lực cho sự phát triển. Hệ sinh thái không chỉ là môi trường, mà phải trở thành bệ đỡ cho sự phát triển của các thành phần, là nơi kết nối nguồn cung và nguồn cầu về đổi mới sáng tạo.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất 4 giải pháp cần thực hiện thời gian tới. Cụ thể, Hệ sinh thái cần có sự thay đổi tư duy trong xây dựng và phát, từ “đóng” sang “mở”. Mở rộng liên kết, hợp tác, khai thác nguồn lực lẫn nhau giữa các thành phần trong hệ sinh thái. Các DNKNST cũng cần chủ động, tích cực trở thành đối tác với các chủ thể trong hệ sinh thái, thay vì chỉ là đối tượng nhận hỗ trợ; tăng cường và phát triển hoạt động liên kết trong mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế; thu hút chuyên gia, người Việt Nam thành công ở nước ngoài tham gia hỗ trợ, đầu tư cho Hệ sinh thái KNST quốc gia; mong muốn các doanh nghiệp, tập đoàn, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường đặt hàng, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của các start-up, thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm đổi mới sáng tạo và chung tay phát triển nền tảng đổi mới sáng tạo mở quốc gia.
Người đứng đầu ngành Khoa học và Công nghệ cũng khẳng định, để hệ sinh thái KNST quốc gia phát triển mạnh mẽ, bền vững cần dựa trên sự phát triển của từng thành phần và tính liên kết chặt chẽ của hệ sinh thái với các đối tác trên thế giới, khả năng thu hút các nguồn lực quốc tế cho hệ sinh thái quốc gia. Qua đó, quy mô và hiệu quả hoạt động của Hệ sinh thái KNST quốc gia của Việt Nam sẽ ngày càng được mở rộng và nâng cao, thu hút ngày càng nhiều các nguồn lực trong và ngoài nước; đóng góp ngày càng thiết thực hơn cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.