Phát biểu tại chương trình, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ Thành phố, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trí tuệ nhân tạo tham gia vào nhiều quá trình, từ nhận dạng thực tiễn, quá trình dạy và học, xây dựng các giải pháp tối ưu, dự báo, đến xây dựng chính sách. Thành phố đã khởi động chương trình trí tuệ nhân tạo, nhưng so với thế giới vẫn đi sau.
Nguồn lực thành phố đã có, điều cần làm là phải khai thác tốt nguồn lực. Bài toán đặt ra là thành phố phải tạo sự tương tác mạnh mẽ giữa 4 khu vực: Nghiên cứu, đào tạo, cung cấp giải pháp và quản lý nhà nước; cùng với thị trường tài chính phù hợp sẽ góp phần tạo nên hệ sinh thái nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho thành phố. Sự tương tác cao là chìa khóa để phát triển nhanh. Thành phố đang tích cực phối hợp cùng Chính phủ và Quốc hội để trình đề án phê duyệt thành lập Thành phố Thủ Đức. Thành phố này có định hướng là thành phố sáng tạo tương tác cao, là địa chỉ tốt để phát triển trí tuệ nhân tạo.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thực tế, trí tuệ nhân tạo xử lý thông tin trên dữ liệu số hóa, vì vậy thành phố phải tăng tốc, cơ bản hoàn thành số hóa các dữ liệu các lĩnh vực của thành phố. Để làm nhanh và chi phí thấp, nên liên kết để xây dựng dữ liệu số hóa theo từng lĩnh vực, từng nhóm doanh nghiệp.
Ở góc độ đơn vị đào tạo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện các đơn vị thành viên của đại học này đang đào tạo khoảng 4.000 chỉ tiêu mỗi năm về các ngành công nghệ thông tin và các ngành liên quan. Từ thực tế, để tiếp tục phát triển công tác đào tạo lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân kiến nghị UBND thành phố giao Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng chi tiết kế hoạch hình thành mạng lưới các trường - Viện nghiên cứu trí tệ nhân tạo.
Đặc biệt, UBND thành phố sớm hoàn thiện cơ chế “đặt hàng” đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo; hoàn thiện chương trình nghiên cứu và ứng dụng AI của thành phố giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030; sớm xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các sản phẩm ứng dựng AI trong cả đơn vị công và doanh nghiệp tư nhân.
Thông tin về quá trình phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trên thế giới cũng như Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước ngành Công nghệ thông tin cho biết, trải qua quá trình phát triển hơn 60 năm, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã đạt được nhiều thành tựu lớn với nhiều sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo ra đời.
Cơ hội tăng trưởng lợi nhuận cho mỗi quốc gia, doanh nghiệp từ trí tuệ nhân tạo là rất lớn. Hiện Việt Nam đã xuất hiện trong danh sách 50 quốc gia, vùng lãnh thổ có chiến lược về trí tuệ nhân tạo. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã thể hiện được vai trò dẫn dắt trong nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Việt Nam. Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy đề xuất cần có giải pháp thúc đẩy làm sản phẩm trí tuệ nhân tạo cho người Việt Nam, của người Việt Nam, vì người Việt Nam. Đồng thời, thực hiện mô hình kéo - đẩy liên vùng cũng như liên ngành nội vùng thành phố…
Tại ngày hội, UBND Thành phố đã ra mắt Hội đồng tư vấn Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030”, gồm 18 thành viên là các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về AI trong và ngoài nước. Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức làm Chủ tịch hội đồng. Hoạt động của Hội đồng nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đưa ngành công nghệ then chốt phục vụ chuyển đổi số, cung cấp giải pháp thông minh cho các dịch vụ và sản phẩm thông minh; góp phần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, đô thị sáng tạo.
Ban tổ chức cũng trao giải Hội thi giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh năm 2020. Đây là lần đầu Hội thi được tổ chức nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo; khuyến khích các cá nhân, nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước đề xuất các giải pháp tiên tiến ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ cuộc sống. Diễn ra từ tháng 6 - 8/2020, Hội thi thu hút hơn 250 nhóm dự thi. Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 4 giải Ba và 13 giải Khuyến khích. Giải Nhất thuộc về nhóm sinh viên đến từ Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong khuôn khổ Ngày hội cũng diễn ra hoạt động lãnh đạo thành phố gặp gỡ sinh viên tiêu biểu trong nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. Nêu ý kiến tại buổi gặp gỡ, sinh viên bày tỏ mong muốn thành phố có các giải pháp đồng bộ thúc đẩy phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, từ đào tạo đội ngũ đến cơ chế chính sách chung cho phát triển lĩnh vực này…